Trong các bài trước, chúng tôi đã giới thiệu phương pháp và các phương pháp cạo gió đánh cảm cần biết. Tiếp theo đây sẽ các bước và cách xử lý sau khi cạo gió đánh cảm.
Cách tiến hành cạo gió đánh cảm
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách “Chữa bệnh cho mẹ”, bước đầu tiên của cạo gió đánh cảm là phải sát trùng vùng da dự định sẽ cạo gió.
Dùng dụng cụ cạo gió tác động lên vị trí thích hợp khác nhau trên cơ thể. Thông thường, vị trí cạo gió là dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, dọc 2 bên cột sống rồi tỏa ra 2 bên mạn sườn, cánh tay, cẳng tay, ngực…
Cần chọn nơi kín gió, để người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn, sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo.
Dùng dụng cụ cạo gió miết đều theo một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Ở cánh tay và ngực dùng lực nhẹ, ở lưng có thể hơi mạnh nhưng cũng nên căn cứ vào tình hình cụ thể, đặc biệt là sức chịu đựng của người bệnh để quyết định dùng lực mạnh hay yếu, lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác, đến khi da ửng đỏ thì dừng lại.
Nếu kết hợp một số thủ thuật xoa bóp như day, lăn, miết, bấm… thì hiệu quả cao hơn.
Thời gian cạo gió đánh cảm
Thông thường ở mỗi vị trí cạo khoảng 20 lần hoặc 3 – 5 phút, để người bệnh có thể chịu đựng và xuất hiện vết là được, thời gian cạo mỗi lần 20 – 25 phút.
Khi cạo lần đầu, thời gian không nên quá lâu, thủ pháp không nên quá mạnh. Lần thứ 2 nếu cần cạo thì nên cách lần đâu 5 – 7 ngày; nếu người bệnh còn đau vùng cạo, thì nên lùi cho đến khi người bệnh hết đau mới cạo tiếp.
Xử lý sau khi cạo gió
Thông thường khoảng nửa giờ sau khi cạo gió, các vết bầm trên mặt da dần dần tụ lại thành từng mảng. Các khối màu đậm dần rồi khuếch tán ra xung quanh và biến mất
24 – 48 giờ sau cạo gió, khi chạm vào bề mặt da hằn vết có cảm giác đau, cá biệt có trường hợp thì da hơi nóng, là những phản ứng bình thường, vài ngày sau có thể hồi phục lại như thường.
Sau khi cạo gió lấy khăn khô lau người, để người bệnh mặc quần áo vào, tuyệt đối không tắm ngay (sau hơn 30 phút có thể tắm bằng nước ấm), người bệnh nên mặc đồ kín, ấm, nghỉ ngơi, tránh ra gió và uống một cốc sữa hoặc trà gừng nóng hoặc ăn bát cháo giải cảm.
Các lưu ý khi cạo gió đánh cảm
Không nên sử dụng dầu xoa có chứa tinh dầu bạc hà (menthol), vì tinh dầu này dễ bay hơi, nên sau khi xoa lúc đầu cảm thấy ấm nóng, một lúc sau gây cảm giác mát lạnh khiến bệnh cảm lạnh nặng hơn.
Dưới tác động của lực cạo lên phần mềm sẽ làm tổn thương lớp biểu bì và các mô bên dưới, gây bầm dập, rướm máu, gây xuất huyết dưới da, trầy xước vùng cạo gió, là cơ hội gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc có thể nhiễm một số vi khuẩn lây lan qua đường máu thông qua vật dụng cạo gió được sử dụng cho nhiều người.
Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió vì dễ gây tổn thương da. Không dùng lực tác động quá mạnh lên vùng cạo gió gây tổn thương da, dễ bị nhiễm trùng.
Không phải cứ cảm thấy vừa đau, vừa có vết bầm mới có tác dụng, nên nhất thiết không cố phải cạo đến đỏ bầm. Khi cạo gió, không ngừng hỏi thăm người bệnh có đau hay không, theo dõi phản ứng của người bệnh để điều chỉnh sức cạo nặng nhẹ, không gây tổn thương da.
Khi cạo vùng lưng nên thuận từ trên xuống dưới, thường không cạo ngược từ dưới lên trên. Không nên cạo gió vùng cơ cổ.
Trong quá trình cạo gió, người bệnh có thể xảy ra hiện tượng chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, vã mồ hôi lạnh, sắc mặt trắng nhạt, tay chân lạnh, tức ngực buồn nôn hoặc hôn mê.
Lúc đó hãy tạm ngừng cạo gió, nhanh chóng cho người bệnh nằm thẳng, tư thế đầu thấp chân cao. Cho người bệnh dùng 1 ly nước đường ấm hoặc sữa nóng…, lưu ý giữ ấm. Kịp thời xoa nắn các huyệt bách hội, nhân trung, nội quan, túc tam lý, dũng tuyền. Nằm nghỉ giây lát người bệnh sẽ hồi phục.