Sự kiện nhiếp ảnh lớn nhất năm nay là cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2022 vừa được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) phát động tại Hà Nội sáng 6.4.2022. Đây cũng chính là sân chơi danh giá nhất 2 năm/lần dành cho các nhiếp ảnh gia Việt Nam, nhằm tổng kết và đánh giá các thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong 2 năm (2021 và 2022) để giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế.
Mới ở điểm gì?
Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2022 có chủ đề Tự do với nội dung: Phản ánh cuộc sống, con người, văn hóa, phong cảnh thiên nhiên, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nỗ lực trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh. Những vấn đề của cuộc sống đương đại… và các nội dung khác hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ.
Để rộng đường cho sáng tạo, cuộc thi có hai thể loại: Ảnh hiện thực và ảnh ý tưởng. Nếu như ảnh ý tưởng, không giới hạn về thủ pháp, được sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật, công nghệ… để sáng tạo thì ảnh hiện thực là ảnh được sáng tác bằng phương pháp truyền thống; không chấp nhận ảnh chắp ghép, làm sai lệch hiện thực (trừ ảnh ghép thuộc thể loại panorama).
Các tác giả có thể gửi ảnh đơn hoặc ảnh bộ (mỗi bộ ảnh từ 5 đến 8 ảnh) và dự thi tối đa 15 tác phẩm; đối với ảnh bộ, nhiều nhất 7 bộ ảnh cho cả 2 thể loại ảnh. Như vậy so với cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2020 thì năm nay, các tác giả được gửi nhiều hơn 5 tác phẩm (năm 2020 mỗi tác giả gửi tối đa 10 tác phẩm, nhiều nhất là 5 bộ ảnh cho hai thể loại).
Để tránh tình trạng, tác giả gửi đi gửi lại ảnh đã đoạt giải cũng như để tạo ra bộ ảnh giải và triển lãm tươi mới, Ban tổ chức nêu rõ: ảnh tham dự chưa từng được trưng bày hoặc đạt giải thưởng tại bất kỳ cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Thời gian nhận ảnh đến hết ngày 15.7.2022, các tác giả có thể gửi ảnh trực tiếp tại website: anhnghethuatvietnam2022.com
Ban tổ chức dự kiến trao 30 giải, gồm 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 16 Giải Khuyến khích; trong đó, tác phẩm được trao Huy chương Vàng, Bạc, Đồng là một trong những tiêu chuẩn để xét tặng các Giải thưởng của Nhà nước về Văn học Nghệ thuật theo quy định hiện hành.
Khám phá ngôn ngữ nhiếp ảnh đương đại
Ngay từ bây giờ đã có thể dự đoán số lượng ảnh hiện thực sẽ áp đảo ảnh ý tưởng. Hai năm trước, khi thể loại ảnh ý tưởng lần đầu tiên được đưa vào cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc xuất phát từ thành công của Festival nhiếp ảnh trẻ mấy kỳ liên tiếp, Ban tổ chức đã nhận được 698 tác phẩm thể loại ảnh ý tưởng – một con số không nhỏ, nhưng so với 11.782 tác phẩm thể loại ảnh hiện thực thì chưa thấm gì!
Và không có gì lạ khi 2 trên tổng số 3 Huy chương Vàng của cuộc thi đã trao cho các tác phẩm về chủ đề COVID-19 là “Ở nhà tránh dịch” của tác giả Lê Tuệ (TP.Hồ Chí Minh) và “Nhiệm vụ HVN68” của tác giả Nông Việt Linh (Hà Nội).
Năm nay, chắc chắn số tác phẩm về chủ đề COVID-19 sẽ lại chiếm số lượng lớn và không loại trừ khả năng sẽ có những bức ảnh tốt được vinh danh. Nhất là trong bối cảnh 2 năm gần đây, giới nhiếp ảnh ít có điều kiện đi sáng tác xa và dịch bệnh COVID có nhiều giai đoạn bùng phát, hoành hoành ở nước ta.
Thể loại ảnh hiện thực các tay máy dễ có điều kiện thể hiện nhiều mảng của bức tranh phòng chống dịch COVID-19 ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các chốt trạm biên giới hay cửa ngõ các tỉnh, thành phố, từ hình ảnh các anh bộ đội giúp dân trên nhiều mặt trận, thanh niên tình nguyện… cho đến cuộc sống bình thường mới với các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt trở lại đông đúc của người dân. Còn thể loại ảnh ý tưởng, thực sự là một thách thức lớn với các tay máy Việt khi ý tưởng mới luôn là nỗi đau đầu.
Việc bị tác động, chịu ảnh hưởng của một số tay máy ngoại quốc cũng không sao, vấn đề là biến cái của họ thành cái của mình một cách nhuần nhuyễn và có sáng tạo mới, chứ không phải là bê nguyên xi, sao chép thô vụng.
Chủ đề về COVID năm 2020 ngoại trừ bức ảnh Huy chương Vàng của tác giả Lê Tuệ và một bức đoạt giải Khuyến khích của tác giả Bảo Hưng (Đắk Lắk) là ấn tượng, còn lại khá mờ nhạt. Năm 2022 liệu có tác phẩm ảnh ý tưởng nào thể hiện chủ đề COVID-19 một cách mạnh mẽ?
Một thực tế khác là chủ đề môi trường thường xuất hiện nhiều trong ảnh ý tưởng nhưng rất ít sự mới mẻ mà vẫn chỉ loanh quanh đất nứt, hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tài nguyên rừng bị đốt, bị phá…
Nhiếp ảnh cùng với hội họa được xếp vào loại hình ngôn ngữ thị giác (Visual Art). Và thực sự với sự trợ giúp của các phần mềm, biên độ sáng tạo của nhiếp ảnh là không giới hạn chỉ có khả năng của nghệ sĩ là bị giới hạn. Để chỉ sự sáng tạo đột phá, bứt ra khỏi lối mòn thông thường, người ta hay dùng câu “Think out of the Box”.
Hãy chấp nhận phá vỡ chính giới hạn và định kiến của bản thân, để sáng tạo nên những tác phẩm giàu cảm hứng – đó mới là nghệ sĩ.
Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/cho-doi-nhung-sang-tao-dot-pha-trong-anh-nghe-thuat-viet-1035115.ldo