Vào những tuần cuối của đợt trưng bày tranh kéo dài hơn 1 tháng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, “Ngũ hình” vẫn thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan và người yêu nghệ thuật. 24 bức tranh của nhóm 5 tác giả gồm các họa sĩ và kiến trúc sư yêu vẽ gặp nhau ở phong vị nhẹ nhõm trữ tình, kết nối những câu chuyện từ mạch nguồn xưa đến hôm nay.

Tĩnh, mực và màu trên lụa, tác giả Trường Thịnh.

Trong không gian nhà Tiền đường khu Thái học, các bức tranh hiện diện với những dáng vẻ, sắc thái khác nhau. Cùng vẽ trên giấy thủ công, nếu tranh của họa sĩ Bùi Hải Nam và kiến trúc sư Trần Minh Tuấn là các bức đơn sắc, thì tranh của họa sĩ Ngô Hùng Cường khởi lên nhiều sắc màu hơn. Trong khi họa sĩ Trường Thịnh chọn chất liệu lụa với bảng màu trầm ấm, Phạm Duy Quỳnh lại chọn vẽ sơn mài sử dụng bảng màu tươi tắn. Xét về kích thước, nếu họa sĩ Ngô Hùng Cường và Bùi Hải Nam ưa vẽ các bức dài, lớn thì họa sĩ Phạm Duy Quỳnh, Trường Thịnh, Trần Minh Tuấn lại thiên vẽ các bức có kích thước vừa và nhỏ. Sự tương phản về màu sắc, kích thước, bút pháp khiến dấu ấn ở từng tác giả rõ nét, đồng thời lại bổ sung cho nhau làm sinh động cả triển lãm.

Khác với nhiều triển lãm trưng bày ngoài trời hoặc trong phòng kín, “Ngũ hình” được bày tại một ngôi nhà (theo đúng nghĩa) với cột gỗ, mái ngói, rộng rãi; các bức tranh do vậy hòa vào không gian, gần gũi với người thưởng lãm. Phong vị phương Đông với các hình ảnh lều chõng thi cử, bến đò, keo vật, hình ảnh rồng, hạc, tượng Phật, mũ miện vua quan… thêm một lần nhấn rõ bởi chất liệu các tác giả sử dụng (giấy dó, giấy bản, giấy giang, lụa, sơn mài). Tuy vậy tinh thần của triển lãm không quá hướng về sự hoài cổ hay đề cao sự khác biệt phương Đông – phương Tây. “Ngũ hình”, nói như kiến trúc sư Trần Minh Tuấn các bức tranh là “biểu lộ nhỏ trên dòng chảy văn hóa truyền thống” lấy sự hài hòa âm – dương, ngũ hành làm nguyên lý nền tảng.

“Dòng chảy” này có thể được gợi từ dòng sông Hồng dưới chân “Cầu Long Biên”, nơi còn “Bến đò Thúy Lĩnh” như tên hai tác phẩm của kiến trúc sư Trần Minh Tuấn; cũng có thể là “Dòng chảy” thời gian như trong tác phẩm của họa sĩ Ngô Hùng Cường, nơi thiên nhiên và con người như lớp lớp giấy bồi thời gian, nương tựa nhau nuôi dưỡng sự sống. Nơi có cổng tam quan, có hình tố nữ, có người đàn bà chít khăn mỏ quạ, có lọ gốm, ấm trà, có ông bà, cha mẹ, trẻ thơ… Hoặc là nơi họa sĩ Bùi Hải Nam ngồi nhớ “Mùa thi xưa” với ý niệm tốt đẹp về nền nếp thi cử ngày cũ (dù anh chưa từng trải nghiệm): Lều chõng ngay hàng đúng lối, sĩ tử làm bài không có vẻ phiền não, căng thẳng, đua chen. Hay chốn “Chiếu hoa kẻ Chợ” dòng người hiện lên đi lại, gồng gánh, bán buôn với vẻ đẹp lao động hoạt bát, khỏe khoắn.

“Dòng chảy” nơi con người sống đời sống thiện lành: Trẻ em được vui chơi, bảo vệ dưới phúc phần của thần hộ mệnh với sắc diện Phật tính nhân từ (tác phẩm của Phạm Duy Quỳnh). Nơi đồ vật xưa thức dậy gọi về trong tiếng mõ, pho tượng Phật, chiếc đĩa cổ, nơi ngai ghế tựa đất lành chim sẻ đậu xuống, hoa thơm bừng nở (tác phẩm của Trường Thịnh)… Dòng chảy mà hôm qua trở thành một phần hôm nay, nuôi dưỡng thành ngày mai, cứ thế nối tiếp truyền nhau những giá trị tốt đẹp.

Nếu chỉ cốt dùng lời để nói, dù hay hơn nữa, triển lãm vẫn rơi vào giải thích, mô tả bề ngoài. Nghệ thuật tạo hình vẫn đòi hỏi ở khả năng tác động trực tiếp (trước tiên về thị giác), gây xúc cảm sâu sắc đối với người xem khi đứng trước bức tranh. Hình, màu, bố cục, đường nét, mảng miếng, ánh sáng, nhịp điệu… luôn đi liền với nhau tạo nên một tổng thể, “một diện tích đẹp”. Đạt được điều này thì tranh trở thành ngôn ngữ của chính nó, tâm tính của người vẽ nên tranh cũng sẽ tự khắc tỏa lộ ra.

Lấy nguồn cảm hứng từ văn hóa truyền thống khác với nệ cổ, sử dụng các chi tiết cổ theo lối máy móc, kể lể, liệt kê. Người làm sáng tạo, cụ thể là họa sĩ, bằng tài năng, trí tuệ, tâm hồn mình, hơn ai hết chính là người sống và chắt lọc đời sống để cụ thể hóa bằng tác phẩm. Văn hóa truyền thống, có thể nói là mạch nguồn quan trọng nuôi dưỡng đời sống người sáng tạo.

“Thế kỷ này không phải vấn đề phương Đông hay phương Tây, mà vấn đề là đời sống hiện đại đã đưa con người ra khỏi mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Ở bất cứ vùng đất nào, con người cũng đều có cách sống thích ứng với thiên nhiên nơi đó, tạo nên sự độc đáo về văn hóa”, theo kiến trúc sư Trần Minh Tuấn. Do vậy “Mỗi vùng đất, mỗi quốc gia phải trở về với những giá trị văn hóa của mình – trước khi bị nền văn minh máy móc che khuất, ảnh hưởng quá nhiều.”

Nhưng “trở về” như thế nào, một cách nhuần nhị và tự nhiên, vẫn luôn là câu hỏi được đặt ra. Nghệ thuật ngày nay, thường khẳng định bằng phủ định những sáng tạo trước nó, cũng có thể lấy “sự trở về” này như một gợi ý sáng giá. Bởi những giá trị cốt lõi trong đời sống trải dài qua thời gian được cô đúc thành văn hóa – nghệ thuật là bằng chứng tiêu biểu cho cả một nền văn minh, một cộng đồng người.

Các tác giả tham gia triển lãm “Ngũ hình” thuộc thế hệ 7X – 8X, có chung niềm say mê hội họa, yêu văn hóa truyền thống Việt.
Các tác giả hiện sống và làm việc ở Hà Nội.
Họa sĩ Bùi Hải Nam (1972)
Kiến trúc sư Trần Minh Tuấn (1976)
Họa sĩ Ngô Hùng Cường (1979)
Họa sĩ Trường Thịnh (1983)
Họa sĩ Phạm Duy Quỳnh (1985)
Triển lãm “Ngũ hành” tại nhà Tiền đường khu Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội từ 30.3 – 7.5.

 

 

An Vũ,

Laodong.vn