Việc VPF bán được bản quyền truyền hình V.League sẽ mở ra một chương mới về khai thác thương mại bóng đá ở Việt Nam.

Đội bóng được gì từ bản quyền truyền hình?

Việc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bán được bản quyền truyền hình V.League với giá khoảng 60 tỉ đồng/mùa là thông tin mang đến nhiều nét tích cực. Sau quãng thời gian rất dài gần như không mang lại giá trị kinh tế đáng kể nào, V.League thật sự đã có giá, theo đúng với nghĩa đen.

Theo đó, VPF không thể “hưởng hết” và đưa toàn bộ số tiền này vào ngân sách chi tiêu. 14 đội bóng V.League vừa là cổ đông, hoàn toàn có quyền được hưởng lợi ích và chính họ cũng là nhân tố làm ra sản phẩm để công ty VPF chào bán.

Giả sử toàn bộ 60 tỉ đồng được mang chia đều, mỗi đội bóng cũng chỉ nhận được chưa tới 4 tỉ đồng. Nhưng đúng theo cách tính thông thường, có lẽ chưa tới 50% khoản doanh thu bản quyền truyền hình có thể được mang ra chia. Như vậy, mỗi đội chỉ nhận khoảng 2 tỉ đồng.

Hiện nay, một đội bóng tầm trung tại V.League hàng năm tiêu tốn không dưới 65-70 tỉ đồng của các ông bầu. Theo đó, 2 tỉ đồng thu về tương đương 3.5% ngân sách, khó lòng giải quyết những bài toán lớn cho các đội bóng.

Điều mà một số ông bầu quan tâm vẫn là mức độ hiện diện của đội bóng, của thương hiệu và phần nào đó là hình ảnh cá nhân trên sóng truyền hình. Khoản đầu tư hàng chục tỉ đồng vì thế có căn cứ để đánh giá tính hiệu quả bằng truyền thông, nhưng cũng rất mơ hồ.

Dù vậy, đây là cột mốc lịch sử bởi lần đầu tiên các đội bóng V.League thu được tiền tỉ bằng dòng tiền thuần bóng đá. Kiếm tiền từ bản quyền truyền hình vốn còn rất xa lạ, bị xem là giấc mơ viển vông với bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua. Do vậy, đây là cánh cửa mở ra một con đường mà 14 đội bóng sẽ phải chung tay với các nhà tổ chức.

Các đội bóng cũng được hưởng lợi từ việc bán bản quyền truyền hình V.League. Ảnh: VPF

Thách thức và cơ hội

Hãy nói về thách thức khi các đội bóng nhận được khoản tiền có giá trị lớn cho bản quyền truyền hình. Cựu Giám đốc điều hành câu lạc bộ Phố Hiến và Cần Thơ – Lê Minh Dũng cho biết: “V.League sẽ có khoản tiền rất lớn xoay quanh bản quyền truyền hình. Tôi tin rằng điều đó sẽ tạo nên động lực tốt cho mọi mặt, từ câu lạc bộ đến giải đấu. 

Chắc chắn, nhà đài khi họ đã đầu tư một số tiền lớn như vậy thì đổi lại, việc đòi hỏi về hình ảnh giải đấu cũng sẽ khắt khe, chuẩn chỉ hơn. Đấy chính là đòn bẩy để các bên, từ VPF, câu lạc bộ và cả nhà đài cùng nhau làm tốt hơn, sao cho tương xứng với giá trị bản quyền giải đấu”.

Ý kiến của ông Dũng đặt ra bài toán đáp ứng, nâng cao chất lượng chung của cơ sở hạ tầng từ các đội bóng. Ví dụ, một số sân đấu không có góc quay đủ tốt để phục vụ cho các máy quay truyền hình. Thậm chí, khi công nghệ VAR được đưa về Việt Nam, gần như các sân này không thể vận hành.

Khi đó, VPF với vai trò nhà tổ chức phải yêu cầu các đội bóng nâng cấp cơ sở hạ tầng, có thể đến từ chính nguồn tiền mà mình nhận được.

Ở mùa giải 2021, số tiền mà các câu lạc bộ được hưởng liên quan đến biển bảng quảng cáo được dùng để mua sắm đồng độ cabin huấn luyện và cabin cho trọng tài. Điều này giúp hình ảnh của giải đấu được đồng bộ bước đầu.

Nhìn rộng hơn, khi cảm nhận được lợi ích chung và riêng, các đội bóng sẽ phải vận hành một cách chuyên nghiệp hơn cả bên trong và bên ngoài sân cỏ. Chỉ khi V.League tăng giá trị lên gấp nhiều lần thì đội bóng mới có thể hưởng lợi.

“Các đội cũng sẽ được hưởng quyền lợi từ việc các trận đấu có liên quan tới họ phát sóng trên truyền hình. Nguồn thu từ bản quyền truyền hình sẽ là động lực để tất cả các đội ở V.League làm tốt hơn”, ông Lê Minh Dũng nhận định.

 

 

AN NGUYÊN

laodong.vn