Trong khi doanh số bán ôtô toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch, số liệu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA cho thấy trên thế giới, cứ 10 ôtô bán ra sẽ có 1 chiếc xe điện. Điều này cho thấy kỷ nguyên ôtô điện đang bước tới thời kỳ bùng nổ.
Tăng trưởng chưa từng thấy
Theo số liệu của Tổ chức IEA, doanh số ôtô điện toàn cầu năm 2021 đạt 6,6 triệu xe, tăng gấp đôi so với năm 2020 và gấp 3 so với năm 2019. Ngay trong năm 2021, doanh số xe điện tháng 12 cao hơn 2,5 lần tháng 1 và đà tăng trưởng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong năm 2022. Ngoài ra, theo thống kê từ cơ quan này, xe điện chạy pin chiếm 6% tổng xe ôtô bán ra trên toàn thế giới trong năm 2021.
Một diễn biến đáng chú ý khác là theo dự báo của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia UBS có trụ sở tại Thụy Sĩ, năm 2025, 20% doanh số ôtô mới toàn cầu sẽ là xe điện. Con số này sẽ tăng lên 40% vào năm 2030 và đến năm 2040, gần như mọi xe mới bán ra sẽ là ôtô điện. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các chính sách trợ giá cho riêng những loại xe này hoặc từng bước loại bỏ xe động cơ đốt trong, siết chặt tiêu chuẩn về khí thải. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng có xu hướng đầu tư công nghệ, hạ tầng trạm sạc, khuyến khích tiêu dùng xe điện,…
Đứng trước triển vọng của tương lai xe điện, Ủy ban châu Âu dự tính trong 10 năm tới số lượng xe điện ở châu Âu sẽ tăng gấp 10 lần. Riêng Phần Lan với mong muốn trở thành quốc gia đón đầu xu hướng nên Chính phủ nước này đã dành 300 triệu Euro cho các gói hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất pin, quyết tâm giữ vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp xe điện.
Các chuyên gia cũng cho rằng khoản đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện là đầu tư thông minh và an toàn trong ít nhất 20-30 năm nữa. Công nghệ pin Lithium-ion cũng được xem là công nghệ năng lượng ôtô của tương lai gần.
Thực tế sự gia tăng số lượng các mẫu ôtô điện trên thị trường, cùng với chi phí pin giảm là những nguyên nhân khiến người tiêu dùng sẵn sàng “xuống tay” để sở hữu ôtô điện. Theo thống kê từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, số tiền người dùng chi tiêu cho xe điện tăng 50% vào năm 2020, tương đương với 120 tỉ USD. Các chính phủ châu Âu cũng tiếp tục khuyến khích việc chuyển sang xe điện bằng cách chi 14 tỉ USD cho các chính sách ưu đãi khi mua trực tiếp và khấu trừ thuế. Thậm chí ngày càng nhiều quốc gia siết chặt chính sách về tiêu chuẩn khí thải và ra chỉ thị về phương tiện không phát thải (ZEV).
Cuộc đua ngày càng nóng bỏng
Không đứng ngoài xu hướng phát triển, những năm gần đây, Việt Nam cũng nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tham gia vào cuộc đua xe điện toàn cầu. Theo đó, Chính phủ đã ban hành các giải pháp phát triển xe xanh như chính sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt hay giảm lệ phí trước bạ. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh xe điện.
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người lựa chọn xe điện làm phương tiện di chuyển bởi tính kinh tế, sức ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội. Trước tốc độ phát triển của xe điện thế giới, Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh cụ thể về chính sách nhằm khuyến khích người dân lựa chọn dòng xe này.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức 25% về 3% cho ôtô điện chạy pin loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, thời gian áp dụng từ ngày 1.3.2022 đến hết ngày 28.2.2027. Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá xe. Vì vậy, chính sách này có hiệu lực đã giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể khi mua ôtô điện.
Hơn nữa với dân số 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn là thị trường ôtô điện đầy tiềm năng. Đặc biệt, trong khi Thái Lan, Indonesia đang chạy đua để thu hút đầu tư thì Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ôtô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước để phát triển ngành ôtô điện. Một số phân tích chỉ ra rằng, nếu chậm trễ 1-2 năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi này.
Đây cũng là lý do tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022 ở Mỹ, VinFast đã công bố dừng sản xuất xe xăng, chuyển sang sản xuất xe thuần điện từ cuối năm 2022. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển sang thuần điện trong cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. Theo bà Phan Thị Thùy Dương – Giám đốc Trung tâm phát triển trạm Pin VinFast, các nước trên thế giới đã đầu tư cho xe điện và số lượng xe này đã tăng 4 lần từ năm 2015 đến năm 2020. Không chỉ tại châu Âu, Mỹ, các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đều ban hành các chính sách rất cụ thể, dành nhiều ưu đãi cho sản xuất, ưu đãi trực tiếp cho người dùng (miễn giảm thuế, tài trợ tiền cho người mua xe…). Đồng thời, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng trạm sạc để khuyến khích chuyển đổi xe xăng sang xe điện.
Hoàn thiện lộ trình, đón xu thế tiêu dùng mới
Mặc dù vậy theo ông Hiroyuki Ueda – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam dù khuyến khích sản xuất xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…) nhưng đến nay vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe này dù đây là xu hướng vận tải cần phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu. Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam. Do đó với xu hướng của thế giới hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe, cụ thể là HEV (Xe điện hybid hay xe lai), PHEV (Xe điện hybid sạc ngoài), BEV (Xe điện hoàn toàn) và FCEV (Xe điện pin nhiên liệu).
Trong đó ở giai đoạn ngắn và trung hạn, xe HEV và PHEV có thể sớm phổ biến tại Việt Nam vì không yêu cầu hệ thống trạm sạc điện rộng khắp. Trong dài hạn, cùng với việc mở rộng các loại năng lượng tái tạo, BEV sẽ phổ biến hơn khi hệ thống trạm sạc điện đã được phủ khắp và thời gian sạc điện được rút ngắn hơn.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Đào Công Quyết – Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy số lượng xe điện hóa ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140, năm 2020 tăng lên 900 và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe điện hóa, số xe chạy pin chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Với lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, ông Đào Công Quyết nhấn mạnh động lực cho sự phát triển ôtô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt. Thời gian tới, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Các nhóm chính sách để khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe ôtô điện, tạo tiền đề cho thị trường sản xuất kinh doanh xe điện vận hành. Song song với đó là xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc -quy, các ôtô, xe máy quá niên hạn sử dụng.
THANH PHƯƠNG
Tho https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ky-nguyen-bung-no-cua-xe-dien-1049754.ldo