Thái Bình – Thái Bình là vùng đất sở hữu nhiều điểm du lịch văn hoá hấp dẫn. Đặc biệt vào dịp đầu xuân năm mới, các đền, đình, chùa nổi tiếng nơi đây đón hàng ngàn du khách đến viếng thăm mỗi ngày.
Đền Trần
Được coi là nơi phát tích, phát triển và dựng nghiệp của triều đại nhà Trần, đền Trần – Thái Bình là điểm đến quen thuộc của người dân và du khách dịp đầu xuân năm mới.
Trên mảnh đất Hưng Hà, các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng – nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại và Tam Đường – nơi lưu giữ hài cốt các vị tổ triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa.
Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ của các hoàng đế nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, các hoàng hậu sau khi qua đời đều được đưa về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Quy Đức Lăng.

Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ và Lăng mộ các vua Trần được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia.
Chùa Keo
Chùa Keo (Thần Quang tự) hiện nằm trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, hiện còn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu.

Chùa Keo quay mặt hướng chính nam. Mặt bằng các công trình chùa Keo được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “nội nhị công, ngoại nhất quốc”. Nếu tính Tam quan ngoại là kiến trúc điểm đầu và Gác chuông phía sau chùa là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng theo hướng Bắc – Nam, gọi là đường thần đạo.
Được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ (gỗ lim), chùa Keo còn được xem là công trình nghệ thuật lớn nhất với hơn một trăm gian lớn nhỏ khác nhau.

Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng còn tên gọi là đền Vua Cha Bát Hải hoặc đền Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai.
So với các di tích kiến trúc cổ hiện còn ở Thái Bình thì đền Đồng Bằng có quy mô kiến trúc nghệ thuật lớn vào bậc nhất.
Xưa và nay, đền Đồng Bằng là một địa điểm lớn có sức thu hút du khách từ nhiều vùng miền đổ về, nhất là dịp đầu xuân đến.

Đền Đồng Bằng hiện lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp. Nơi đây còn nổi tiếng với các bài hát văn.
Đền Tiên La
Đền Tiên La huyện Hưng Hà là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thờ nữ anh hùng dân tộc Đông Nhung Đại Tướng quân Vũ Thị Thục, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích cũng như đáp ứng nhu cầu du lịch, văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.
Đền Tiên La là một trong số ít ngôi đền cổ có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng.
Đền thờ Nhà bác học Lê Quý Đôn
Cách thành phố Thái Bình khoảng 35km về phía Bắc, Khu lưu niệm Nhà bác học Lê Quý Ðôn thuộc thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật, dấu tích từng gắn bó với nhà bác học – danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Đền thờ Nhà bác học Lê Quý Đôn là nơi đặt điểm cầu trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 – năm 2022. Đây cũng là năm Đặng Lê Nguyên Vũ giành được vòng nguyệt quế quán quân Đường lên đỉnh Olympia.

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tọa lạc tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi đây ghi lại dấu ấn sâu đậm về Nguyễn Đức Cảnh, một trong 7 đảng viên đầu tiên sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Công đoàn Việt Nam.
Khu lưu niệm được xây dựng trên chính mảnh đất hương hoả của 8 gia đình trong thân tộc cùng sinh sống, có diện tích rộng 1.600m².

Khung cảnh nếp nhà xưa của gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh lúc sinh thời gồm: Ngôi nhà thờ Tổ (vốn là trường dạy học của ông thân sinh ra đồng chí Nguyễn Đức Cảnh), nhà ở, nhà bếp được dựng lại nguyên vẹn trên nền đất cũ. Không gian giản dị, khiêm nhường, gợi lại hình ảnh nền nếp, gia phong của một gia đình nho giáo thời xưa.