Trong văn hóa phương Đông, nếu như Rồng – Phượng là biểu tượng của hoàng gia thì cặp Rồng – Hổ biểu tượng cho uy lực, trấn át thế lực đen tối. Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ trong phong thủy luôn trấn giữ phía Đông và Tây các công trình kiến trúc lớn, quan trọng.
Còn trong tiềm thức dân gian, “Ông Ba Mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo. Bức tranh “Ngũ Hổ” thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống thường được treo ở bàn thờ dành riêng cho “Ông Ba Mươi” dưới bàn thờ thần thánh hoặc thờ Phật.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ này bắt nguồn từ một cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm, hổ chính là sức mạnh thiên nhiên và cũng là tai họa đối với con người. Do đó người ta thờ hổ. Đêm 30 tháng chạp hằng năm người xưa cũng thờ cúng hổ để mong yên lành cho năm mới, đó cũng là một trong những lý do hổ còn được gọi là “Ông Ba Mươi”.
* * *
Trong các kiến trúc đình, chùa được xây dựng từ hàng trăm năm trước, ta có thể bắt gặp nhiều bức điêu khắc có hình tượng hổ, trong số đó có cảnh người cưỡi hổ thể hiện ý chí chế ngự thiên nhiên của người Việt, kể cả loài vật có sức mạnh và hung dữ như hổ, báo.
Tại khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám – một công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử được xây dựng từ hơn 700 năm trước, ngay tại cổng vào, ta thấy có một bức phù điêu lớn với chủ đề “mãnh hổ hạ sơn” khá đẹp. Phải chăng người xưa muốn nhắn nhủ các nhân tài Đất Việt có kiến thức, có chí khí, văn võ song toàn hãy ra sức phụng sự đất nước.
* * *
Trong kho tàng cổ vật Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện sớm và nhiều nhất là vào thời nhà Trần (1226-1400). Hiện vật nổi tiếng, không thể không nhắc đến là bức tượng hổ tại lăng Trần Thủ Độ tại thôn Ngừ, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Pho tượng này được cho là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc cũng như mĩ thuật thời Trần nói riêng và là một tác phẩm đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam nói chung.
Người tạc tượng đã thổi vào bức tượng linh hồn một con người trí dũng, toàn tâm toàn ý vì đất nước – Trần Thủ Độ. Năm 1962, bức tượng đã được đưa về bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Theo nhà bác học Lê Quý Đôn, khu lăng mộ cùng bức tượng hổ này được xây dựng và chế tác vào năm 1264, chỉ sáu năm sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ nhất (1257 – 1258). Như vậy bức tượng hổ đá đầu tiên của nước ta đã có tuổi đời 757 năm.
Hình tượng hổ thời Trần còn xuất hiện khá đậm nét trên loại hình gốm hoa nâu đặc sắc của Đại Việt. Hổ và voi là hai loài mãnh thú – biểu trưng cho sức mạnh và ý chí chiến đấu của quân và dân nhà Trần trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông nên đã xuất hiện với tần suất khá cao trên những chiếc thạp hoa nâu cỡ lớn thời đó. Vượt qua nỗi sợ hãi trước sức mạnh hoang thú được mệnh danh là chúa tể rừng xanh, một “Ông Ba Mươi” ám ảnh luôn phải thờ cúng, nay con người đã đủ mưu, trí, dũng để chế ngự sức mạnh đó.
Tiêu biểu cho mưu trí của quân dân thời Trần thể hiện trên một chiếc thạp hoa nâu diễn tả một binh pháp của phương Đông – “điệu hổ ly sơn”. Nếu trong thần thoại Hy Lạp, con ngựa thành Troy, được dùng để ngụy trang, đánh lừa, đưa quân lọt vào công phá thành Troy theo mưu kế của Odyssey và giành chiến thắng trước quân địch hùng mạnh thì binh pháp “điệu hổ ly sơn” làm ngược lại. Một con ngựa sống, trên lưng có một lá cờ đuôi nheo đang lững thững bước đi là mồi nhử cho một con cọp dữ phải thèm muốn và rời hang ổ, bám theo con mồi và cọp dữ phải sập bẫy là điều tất yếu. “Điệu hổ ly sơn” là chủ đề mà giới sưu tập cổ vật đặt cho chiếc thạp hoa nâu nổi tiếng này để tôn vinh những chiến công hiển hách với mưu lược của quân và dân nhà Trần, đặc biệt là trận chiến trên sông Bạch Đằng với mưu lược nhử quân giặc vào bãi cọc đã bày sẵn.
Một chiếc thạp khác với chủ đề “thuần hổ” vẽ cảnh một người đang cầm một cây gậy sắt đang thuần một con hổ dữ, to lớn. Con hổ quay mặt lại, nhe nanh phản ứng nhưng cũng thể hiện sự bất lực trước một người thuần hổ với gương mặt rất cứng rắn và bản lĩnh. Một chiếc thạp khác có đủ cả nắp tả cảnh một con hổ đang săn mồi, phía trước là con thú nhỏ đang cố thoát thân. Chiếc thạp có ba tầng hoa văn, vai và nắp là motip những cánh sen và búp sen – biểu tượng của văn hóa Phật giáo rất đậm nét. Ở tầng hoa văn thứ ba trên thân thạp là những họa tiết sen hóa rồng khá nổi bật trên những chiếc thạp cỡ lớn.
* * *
Sang thời Lê Sơ, thế kỷ 15, gốm xanh trắng đặc biệt thịnh hành, nhiều lò gốm được mở ra tại khu vực Hải Dương với các lò Chu Đậu, Hùng Thắng, Mỹ Xá, Cậy, Ngói, Bá Thủy, Hợp Lễ… và Hoàng thành Thăng Long. Rất nhiều trong số đó đã được xuất khẩu đi Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Tây Á, chiếm lĩnh thị trường gốm ở các khu vực này suốt gần một thế kỷ.
Trên các đồ gốm thời đó, hình tượng hổ đã xuất hiện trên những món đồ gốm có kích thước lớn. Một chiếc chum hoa lam có họa tiết một chú hổ là chủ đạo ở giữa đang ngước nhìn một con chim đuôi dài đang đậu trên cành trúc giữa cảnh non bộ. Tầng hoa văn ở vai vẽ đàn thú chạy quanh rất sinh động. Phía chân đế là tầng trang trí họa tiết cánh sen, trên cổ là hoa văn đồng tiền. Các họa tiết trên chiếc chum cho ta thấy sự thanh bình, thịnh vượng của thời Hồng Đức trị vì bởi minh quân Lê Thánh Tông, đỉnh cao của sự phát triển kinh tế, xã hội thời Lê Sơ.
Còn trên một chiếc chum khác vẽ nhiều “Ông Ba Mươi” hơn. Trong số đó một ông đang đứng thẳng, vung hai chân, ngực ưỡn ra phía trước, chiếc đuôi dài đang vẫy, rất ra dáng một oai hùm, một chúa tể rừng xanh!
Phân cảnh khác là một mãnh hổ đang đuổi theo một con thú nhỏ, trên tay đang cầm một vật trông như một chiếc chùy, một hình tượng nhân cách hóa thật hiếm thấy trên gốm Việt. Các họa tiết trang trí là tản vân xen lẫn hoa văn trong bát bửu cho thấy hiện vật này có thể được dùng trong các nơi thờ tự tôn giáo.
Cùng với vốn xanh trắng, các lò gốm thời Lê Sơ còn sản xuất loại gốm có vẽ men tam thái gồm vàng, xanh lục và đỏ phía trên men phủ. Do tác động của thời gian và môi trường, các màu này bị bay khá nhiều, nhất là đối với đồ vớt biển. Hai chiếc đĩa lớn được trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An), một chiếc vẽ một con hổ dữ tợn đang trong tư thế tấn công con mồi, chiếm trọn diện tích lòng đĩa, xung quanh và vành đĩa trang trí họa tiết cánh sen bằng màu tam thái, còn chiếc khác vẽ con hổ như đang nhảy múa giữa thiên nhiên, cây cỏ. Do nước biển xâm hại nên nay chỉ còn sót lại một ít họa tiết màu xanh lục và màu đỏ. Những chiếc đĩa này là hai trong hàng vạn hiện vật trên một con tàu đang trên đường xuất dương cho thị trường Indonesia vào nửa cuối thế kỷ 15.
* * *
Cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc kết thúc vào năm 1592 với sự tiếm quyền của nhà Trịnh là một trong những nguyên nhân chính khiến các lò gốm vùng Hải Dương suy yếu và tan rã dần, một nhóm thợ gốm dạt về lò Bát Tràng thì chủ yếu sản xuất đồ thờ cúng như lư hương, chân đèn, vua chúa và quan lại thì chủ yếu đặt đồ sứ làm tại lò Cảng Đức – Giang Tây, Trung Quốc. Từ đó các loại gốm do Việt Nam sản xuất chất lượng dần suy giảm, các sản phẩm gốm đẹp vẽ phong cảnh, chim thú ít xuất hiện, kể cả hình tượng hổ cũng vắng bóng suốt mấy thế kỷ thời Lê Trịnh và Lê Trung Hưng.
Mãi sang cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 người ta mới lại thấy hình tượng hổ xuất hiện trên đồ gốm. Đó là những bức tượng hổ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng với loại men rạn nổi tiếng và đặc trưng của một lò gốm vùng Thăng Long, nơi từ cuối thế kỷ 16 đã sản xuất và cung cấp rất nhiều đồ thờ cúng phục vụ cho các đình chùa, miếu mạo, cung điện mà phần lớn theo đơn đặt hàng để cung tiến cho các cơ sở thờ tự này. Những bức tượng hổ tại đây được chế tác chỉ với kích thước nhỏ trên dưới 20cm. Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu thì những bức tượng hổ này phục vụ cho mục đích bày trí phong thủy, thờ cúng hoặc là công cụ chặn giấy nơi văn phòng quan lại.
* * *
Vào thời vua Minh Mạng, tại kinh đô Huế, hổ được dùng để rèn luyện khí chất chiến đấu cho đàn voi của triều đình. Tại đây nhà vua đã cho xây một vũ đài dành riêng cho hai loại thú dũng mãnh luyện công là voi và hổ, được gọi là “đài hổ quyền” mà nay đã trở thành một điểm trong quần thể di tích nổi tiếng và độc đáo tại cố đô.
* * *
Quay lại chủ đề phong thủy có liên quan đến “Ông Ba Mươi”. Theo các nhà phong thủy, hổ là một trong tứ tượng – bốn thánh thú trong các chòm sao hợp thành hệ thống ngũ hành:
– Thanh Long thuộc phương Đông, đại diện hành Mộc.
– Chu Tước thuộc phương Nam, đại diện hành Hỏa.
– Bạch Hổ thuộc phương Tây, đại diện hành Kim.
– Huyền Vũ thuộc phương Bắc, đại diện hành Thủy.
Nếu Thanh Long (Rồng xanh) mang lại điều may mắn, tốt lành thì Bạch Hổ (Hổ trắng) là linh vật canh giữ và bảo vệ sự tốt lành, may mắn đó. Còn Chu Tước là con chim sẻ màu đỏ – màu của mùa hạ ở phương Nam, một mảnh vườn, mảnh đất thấp, bằng phẳng trước nhà sẽ mang lại sự thuận lợi cho chủ nhà để đón điều may mắn, tốt lành. Còn Huyền Vũ là sự quấn quýt của rùa và rắn ngự phương Bắc phía sau nhà, tương ứng với mùa đông mang ý nghĩa gia tăng phúc thọ, giữ vượng khí dài lâu cho gia chủ.