Phỗng đất từng là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu trong ký ức của của nhiều thế hệ trẻ em Kinh Bắc. Thế nhưng, ngày hôm nay trên chính “quê hương” của món đồ chơi giản dị ấy, tại xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chỉ còn duy nhất ông Phùng Đình Giáp vẫn tiếp nối và duy trì nghề làm phỗng đất.
Do hiệu quả kinh tế đem lại không cao, lại chỉ bán được trong dịp Trung Thu, nhiều gia đình tại Song Hồ đã bỏ phỗng đất để chuyển sang làm hàng mã. Thế nhưng, trong căn nhà nhỏ ở thôn Ðông Khê, ông Phùng Ðình Giáp (70 tuổi) vẫn ngày ngày cần mẫn làm ra những bộ phỗng đất và truyền dạy cho con cháu của mình.
“Tôi làm phỗng chẳng bao giờ để ý đến việc bao lâu sẽ xong, cứ ngồi xuống vân vê miếng đất là quên hết tất cả. Có khi tôi ngồi từ sáng sớm, ngẩng đầu lên là trời đã tối rồi”, ông Giáp kể.
Được biết, một bộ phỗng đất Trung Thu gồm 5 nhân vật với 5 ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Con chim bồ câu thể hiện cho khát vọng hòa bình, tự do. Con rùa gắn với biển cả bao la và sự tích thần Kim Quy – tượng trưng cho sự kiên cường, ổn định. Tượng phỗng người già và em bé hàm chứa sự nối tiếp của đời người, tre già măng mọc. Đặt ở vị trí trung tâm trong bộ năm tượng phỗng là nhân vật phỗng hình Phật mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống đức độ, hiền lành, đúng mực.
Để làm phỗng phải đào đất thó ở độ sâu từ 2,5-3m. Sau khi được đào lên, miếng đất sẽ được đập thật nhuyễn rồi sàng cho thật mịn và trộn với bột giấy bản. Phỗng đất sẽ được đem phơi nắng nhiều ngày cho khô, rồi khoác thêm lớp điệp trắng và tô điểm bằng loại màu ở làng Đông Hồ vẫn dùng vẽ tranh, gồm 5 màu tự nhiên ứng với thuyết ngũ hành.
“Khách hàng chủ yếu vẫn là những người có niềm đam mê với đồ chơi dân gian. Ngoài ra, tôi còn sáng tạo thêm các hình tượng mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng”, ông Giáp nói.