Hiện nay, nhiều gia đình chọn du xuân đầu năm bằng hình thức du lịch cắm trại. Đây vừa là cơ hội để nghỉ ngơi, vừa giúp các gia đình giáo dục con cái về kỹ năng sinh tồn, biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tết Nguyên đán 2023, chị Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1993, Đống Đa) được nghỉ 10 ngày. Thời gian này vừa đủ để chị về thăm gia đình đôi bên cũng như thực hiện chuyến du lịch cắm trại đã mong mỏi từ lâu.
Chị Kim Anh cho hay: “Tôi được nghỉ từ ngày 28 Tết Âm lịch và tranh thủ cho các con đi thăm ông bà hai bên. Từ ngày 30 Âm lịch trở đi vợ chồng tôi ở nhà riêng và đón tiếp họ hàng, bạn bè đến chơi”.
Đến ngày mùng 3 Tết Âm lịch, vợ chồng chị Kim Anh đưa bố mẹ hai bên đi lễ tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Nhớ lại cảnh người người chen chúc nhau đến vãn cảnh và lễ phật, chị Kim Anh thấy rất mệt mỏi.
Ngoài lí do đi lễ chùa đầu năm là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chị Kim Anh bày tỏ việc đưa ông bà đến chùa là để dung hòa hai thế hệ giữa người già và trẻ nhỏ. “Ông bà vui vẻ, con cháu cũng hạnh phúc”, chị Kim Anh nói.

Gia đình chị Kim Anh thường “đi trốn” ở các vùng đất yên bình, thiên nhiên gần gũi như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu, Tà Xùa (Sơn La), Thái Bình, Thanh Hóa… Do đã chuẩn bị đầy đủ đồ đạc để có một buổi cắm trại vui vẻ, những chuyến đi này cũng tiết kiệm được chi phí đáng kể.
“Sáng mùng 4 Tết Âm lịch gia đình tôi có mặt tại Mộc Châu (Sơn La). Do đã chuẩn bị gần như đầy đủ đồ đạc, đồ ăn nên chi phí cho việc thuê địa điểm, phí điện, nước… tổng cộng mất khoảng gần 600.000 đồng cho 2 ngày”, chị Kim Anh cho hay.
Việc du xuân bằng hình thức du lịch cắm trại còn giúp vợ chồng chị và các con biết bảo vệ môi trường, sinh tồn trong tự nhiên nhiều hơn.
“Cháu nhà tôi được đi theo bố mẹ cắm trại khi cháu vừa tròn 9 tháng tuổi. Trẻ con hiện nay được bao bọc và sống đầy đủ nên nhiều trẻ thường vòi vĩnh cha mẹ, không biết trân trọng những gì đang có. Khi vợ chồng tôi đã tạo thói quen và giáo dục các con sinh tồn thông qua các buổi cắm trại, các bé sẽ biết tiết kiệm nước hơn, biết nhóm bếp khi không có bật lửa, biết ủ ấm khi không có chăn… và biết yêu thiên nhiên nhiều hơn”, chị Kim Anh tâm sự.
Trong suốt 3 năm vừa qua, gia đình anh Hoàng Trung Đức (Đông Anh) đã đi đến khá nhiều khu cắm trại lớn, nhỏ. Một số khu cắm trại có nhiều hoạt động vui chơi như cho cá ăn, chèo thuyền,… nhưng đa số các bãi cắm trại sẽ chỉ có thiên nhiên bao quanh.

Theo anh Đức, khi đưa các con đến những khu cắm trại như vậy, anh nhận thấy hai con đã trở nên tự lập, dạn dĩ hơn, không ngại giao tiếp với người lạ, hòa nhập cộng đồng nhanh.
“Khi con còn nhỏ, vợ chồng tôi vẫn phải sắp quần áo cho con trước mỗi chuyến đi. Hiện tại, vợ chồng tôi chỉ cần nói nhà mình sẽ đi chơi 2 ngày 1 đêm, đi biển hay đi núi… là hai con sẽ tự biết sắp xếp quần áo và đồ dùng phù hợp mang theo”, anh Đức tâm sự.
Đối với vợ chồng anh Đức, việc tạo ra môi trường để con có thể tự do tìm tòi và đặt những câu hỏi ngoài kiến thức học trên lớp rất quan trọng. Không chỉ du xuân, trong các dịp nghỉ lễ có thời gian rảnh, vợ chồng anh luôn tìm cách để đưa các con đi cắm trại.
“Tiêu chí du lịch của gia đình tôi là vừa giải tỏa được tâm trạng, vừa dạy con những bài học không có trong sách vở mà đôi khi trong cuộc sống hàng ngày chúng tôi khó có thể thực hiện”, anh Đức chia sẻ.