Tại sao tỉ phú Elon Musk đột nhiên nghĩ đến việc tạo ra một “ứng dụng mọi thứ” (Everything App) hay còn gọi là siêu ứng dụng, và điều đó có ý nghĩa gì?

Ứng dụng mọi thứ (Everything App) là đích đến của Elon Musk khi mua Twitter. Ảnh chụp màn hình
Các chức năng có trong siêu ứng dụng WeChat. Ảnh: WeChat

Ước tính, siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc có hơn 1 tỉ người dùng hàng tháng và là một phần phổ biến trong cuộc sống hàng ngày ở quốc gia này.

Người dùng có thể gọi xe hoặc taxi, gửi tiền cho bạn bè và gia đình hoặc thanh toán tại các cửa hàng. Vào năm 2018, một số thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm WeChat cho một hệ thống nhận dạng điện tử gắn với tài khoản của người dùng, theo South China Morning Post.

Ở Việt Nam, người dân cũng đang sử dụng Grab, một siêu ứng dụng hàng đầu trên khắp Đông Nam Á. Ứng dụng này cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, đặt xe, giao hàng trọn gói theo yêu cầu cùng các dịch vụ tài chính và đầu tư.

Elon Musk muốn tạo ra một siêu ứng dụng

Trong một buổi hỏi và trả lời với các nhân viên Twitter vào tháng 6, Elon Musk lưu ý rằng không có ứng dụng nào giống với siêu ứng dụng WeChat đang hoạt động ở bên ngoài Châu Á.

“Về cơ bản, bạn sống trên WeChat ở Trung Quốc”, ông nói và cho biết thêm rằng ông đã nhìn thấy cơ hội để tạo ra một ứng dụng như vậy.

Thêm nhiều công cụ và dịch vụ hơn vào Twitter cũng có thể giúp Elon Musk đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao cả của mình cho công ty. Trong phần hỏi đáp với nhân viên, CEO Tesla cho biết ông muốn Twitter tăng từ 237 triệu người dùng lên “ít nhất một tỉ”.

Elon Musk và các thành viên trong nhóm của ông đã nhắn tin nhiều lần về ý tưởng bổ sung các khoản thanh toán kỹ thuật số vào Twitter, theo các tin nhắn được phát hiện trong vụ kiện giữa Musk và công ty truyền thông xã hội.

Siêu ứng dụng dường như là thứ mà các công ty công nghệ đều nhắm tới, khi công ty mẹ của Snapchat là Snap trước đây đã giới thiệu tính năng thanh toán ngang hàng được gọi là Snapcash, nhưng đã bị loại bỏ vào năm 2018.

Hai mạng xã hội hàng đầu của Meta là Facebook và Instagram cũng đã cố gắng mở rộng ra ngoài phạm vi mạng xã hội và nhắn tin, lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử.

 

 

ANH TUẤN

laodong.vn