Website Trang trại chăn nuôi không khác nhiều so với app Trang trại tiết kiệm bị sập trước đó PHẠM THU NGÂN

Chiêu trò lôi kéo người chơi bỏ vốn đầu tư chăn nuôi tại các trang trại online với mức lợi nhuận khủng khiến nhiều nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ mất cả chì lẫn chài.

Năm 2021, hàng loạt sàn ảo, ứng dụng ảo với mục đích huy động vốn đầu tư đã bị sập khiến hàng ngàn nhà đầu tư (NĐT) điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần. Thế nhưng đến nay, các bẫy lừa này vẫn hoạt động mạnh trở lại nhằm lôi kéo người tham gia.

“Trang trại chăn nuôi” giăng bẫy hàng ngàn con mồi

Một trong số đó phải kể đến sàn giao dịch bảo hiểm CoolCat và ứng dụng “trang trại tiết kiệm”. Tháng 4.2021, Báo Thanh Niên từng phản ánh nhiều NĐT khắp cả nước đầu tư tiền tỉ vào ứng dụng “trang trại tiết kiệm” để hưởng lợi nhuận khủng, để rồi trắng tay.

Khi sự việc chưa lắng xuống thì đầu tháng 12.2021, một hệ thống mới có tên “trang trại chăn nuôi” lại bắt đầu hoạt động lôi kéo NĐT tham gia. Với chiêu bài tạo cơ hội cho nhiều người kiếm thêm thu nhập, có tiền rủng rỉnh du xuân dịp Tết Nguyên đán, website này tung ra nhiều gói chăn nuôi có lãi suất khủng để chèo kéo.

Với thao tác đơn giản, một số tài khoản tự xưng là chuyên viên và hướng dẫn NĐT đăng ký tài khoản qua trang web: trangtraichannuoi.net kèm mã giới thiệu. Từ đây, NĐT sẽ được tham gia nuôi nhiều con vật trong 4 chuồng với đa dạng mức đầu tư.

Khi NĐT giới thiệu thêm nhiều cấp dưới (gọi tắt là F – PV) sẽ được hưởng hoa hồng sau khi các F nhận nuôi con vật, đây là hình thức kiểu “mô hình đại lý và thu nhập đồng đội”.

Cụ thể, khi NĐT là đại lý và trực tiếp giới thiệu các F1 thì được hưởng 12% hoa hồng; khi đại lý F1 giới thiệu cho F2, NĐT vẫn nhận được hoa hồng là 6%, nếu đại lý F2 tiếp tục lôi kéo thêm người tham gia thì NĐT nhận được thêm 2% hoa hồng

Một tuần lôi kéo hơn 1.000 người tham gia

Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi tham gia vào nhóm Zalo và Telegram có tên “Trang trại chăn nuôi”. Lúc này trong nhóm Zalo đã có gần 200 thành viên, nhóm Telegram cũng đã có hơn 700 thành viên.

Thấy người mới, các admin trong nhóm chào đón và sẵn sàng giúp đỡ để cùng nhau kiếm tiền. Chúng tôi được một tài khoản tên T.Flo liên hệ và hướng dẫn cách tham gia mở trang trại online kèm mã mời.

Thanh niên này tự giới thiệu bản thân đang đầu tư vào chuồng bò với một số loại bò từ châu Á đến châu Âu và khuyên PV nếu có vốn kha khá nên đầu tư vào các giống bò có giá trị từ 1,1 triệu đến hơn 17 triệu đồng.

Các admin trong nhóm Zalo liên tục khoe lãi hằng ngày để tạo lòng tin, lôi kéo người tham gia/CHỤP MÀN HÌNH

Theo quan sát của chúng tôi, trangtraichannuoi.net về hình thức chia chuồng nuôi cũng như lãi suất không khác biệt nhiều so với ứng dụng “trang trại tiết kiệm” mà trước đó Thanh Niên từng phản ánh. Khi kiểm tra quá trình nạp rút tiền của Trang trại chăn nuôi, chúng tôi được đưa đến đường dẫn tài khoản tên Nguyễn Thị Trâm của một ngân hàng ở TP.HCM.

Trang trại online này phân thành 4 chuồng nuôi, trong đó chuồng nuôi thử nghiệm và chuồng bò được thoải mái đầu tư. Ngoài ra, NĐT còn được nuôi cả gấu và hổ nếu giới thiệu đủ 5 – 10 F1.

Ví dụ, khi NĐT đã giới thiệu đủ 10 F1 vào đầu tư thì được mở chuồng hổ để nuôi. Nếu NĐT lựa chọn nuôi loại hổ trắng với phí nhận nuôi 600 triệu đồng thì sẽ có lãi 33,330 triệu đồng liên tục trong vòng 30 ngày. Như vậy, nếu nuôi trong vòng 30 ngày sẽ được trả lãi 33,33 triệu/ngày, tức gần 1 tỉ đồng tiền lợi nhuận/tháng.

Để lôi kéo thêm nhiều người tham gia, các chuyên viên tại đây quảng cáo rằng hệ thống đang có 4 đội nhóm với hơn 1.000 NĐT tham gia và sẽ tiếp tục mở rộng các chuồng nuôi nhằm phục vụ NĐT với phương châm “An toàn – Uy tín – Bảo mật”. Admin nhóm Zalo tên H.N.N còn bồi thêm: “Đây là cơ hội cùng nhau kiếm tiền hằng ngày và đừng bỏ lỡ”.

Tuy nhiên, đến nay nhóm này đã phải liên tục thay đổi nhóm Zalo vì bị quét và yêu cầu NĐT phải tham gia vào nhóm Telegram để tiện cập nhật nhóm Zalo mới. Đồng thời, khi có người tham gia phản ứng, nghi ngờ về độ an toàn khi tham gia đầu tư thì lập tức bị đuổi khỏi nhóm.

Cảnh giác với tội phạm công nghệ

Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các ứng dụng, sàn ảo lừa đảo tinh vi trong lĩnh vực công nghệ, thế nhưng đến nay thực trạng này vẫn tái diễn, các nạn nhân vẫn bị sập bẫy nếu thiếu tỉnh táo. Cách thức không mới, chiêu trò thủ đoạn cũng không thay đổi quá nhiều nhưng vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người tin vào lời dụ dỗ để rồi… ném tiền qua cửa sổ.

Đề cập đến app Trang trại chăn nuôi nói trên, anh Ng.H.Tr (28 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là nạn nhân của bẫy lừa Trang trại tiết kiệm) ngao ngán: “Tiền mất thì phải chịu, ứng dụng này (tức Trang trại chăn nuôi – PV) không khác gì về cách lừa đảo, dụ dỗ như app Trang trại tiết kiệm. Tôi từng bị lừa mất mấy trăm triệu đồng nhưng không lấy được đồng nào nên ai đang tham gia hãy cẩn trọng”.

Liên quan đến tội phạm này, ngày 7.1, lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo người dân khi tham gia các hệ thống, website như Trang trại chăn nuôi có nhiều tiềm ẩn rủi ro.

Không có hình thức đầu tư nào lãi suất khủng như vậy cả. Người dân đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ khi bỏ số tiền lớn vào, dễ bị mất bất cứ lúc nào.

“Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo đến người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo tương tự, chiêu trò không mới nhưng số lượng nạn nhân mắc bẫy vẫn không ngừng gia tăng lên”, vị này nói.

Vị này nhận định các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng (trên các app) cũng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.


Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện vẫn có các doanh nghiệp huy động vốn nhưng vẫn phải theo Luật Doanh nghiệp và đáp ứng nhiều quy định khác nhau.

Đối với hình thức lập trang web và huy động bằng hình thức không minh bạch, trái phép, trả thưởng/lãi theo mô hình đa cấp thông qua hoạt động thương mại điện tử là vi phạm pháp luật.

“Hiện nay có rất nhiều vụ việc lừa đảo bằng hình thức tương tự, do đó người dân cần cẩn trọng khi tham gia. Người dân cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn huy động vốn cho hưởng lãi suất cao. Phải tìm hiểu thật kỹ về thông tin nơi đầu tư xem địa chỉ này đã được cấp phép hoạt động hay chưa. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết”, luật sư Bùi Quốc Tuấn nói thêm.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho hay, theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp như đã bị xử phạt hành chính vì hành vi chiếm đoạt tài sản; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của gia đình nạn nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí, mức phạt có thể chung thân nếu chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.

 

Theo https://thuonggiathitruong.vn/tai-dien-bay-lua-trang-trai-online/