SSI Research vừa có báo cáo phân tích triển vọng ngành ôtô năm 2022 với nhận định, “bỏ qua những bất ổn trong ngắn hạn, triển vọng 2022 có thể tươi sáng hơn với khả năng phục hồi tương đối chắc chắn”. Báo cáo cũng gắn với sự kiện VinFast tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022 để tập trung vào xe điện.

Cơ hội cho các dòng xe khác

Đánh giá về vấn đề này, SSI Research cho biết, điều này có lợi cho nhiều hãng xe khác. Bởi, hiện tại, xe xăng của VinFast chiếm gần 11% thị phần ôtô trong nước. Do đó, khi VinFast dừng sản xuất xe xăng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu.

Ngoài ra, do Vinfast là một trong những công ty có khả năng cạnh tranh cao về giá, việc thương hiệu này rời thị trường có thể giúp giảm bớt đáng kể áp lực cạnh tranh giảm giá đối với các hãng xe khác.

“Thời điểm ghi nhận tăng trưởng cao đối với ngành ôtô ở Việt Nam có thể đến từ nửa cuối năm 2022. Nhu cầu mua xe sẽ chưa thực sự mạnh trong nửa đầu năm do khả năng dịch bệnh gia tăng vì biến thể mới Omicron.

Tuy nhiên, sau khi dần mở cửa trở lại trong nửa cuối 2022, doanh số bán xe trong ngành sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn, cộng với mức nền so sánh thấp trong quý III/2021 sẽ là động lực ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến”, SSI Research nhận định.

Cận cảnh ngoại hình của xe điện VF 8. Ảnh: VinFast

Theo SSI, hiện tại, triển vọng ngắn hạn của các công ty ôtô vẫn còn chưa ổn định do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vaccine mũi 2 tính đến cuối năm 2021 và các biến thể COVID-19 mới có khả năng sẽ ít gây rủi ro tới sức khỏe hơn, tác động từ việc giãn cách xã hội sẽ ít nghiêm trọng hơn năm 2021.

“Chúng tôi ước tính nhu cầu ôtô sẽ tăng 16% trong 2022. Chúng tôi cho rằng với mức nền so sánh thấp trong năm 2021, cùng với tỉ lệ sở hữu ôtô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022”, các chuyên gia phân tích tại SSI đánh giá.

Hành động trấn an người dùng

VinFast cũng vừa công bố áp dụng chính sách bảo hành 10 năm hoặc 200.000 km (tùy điều kiện nào đến trước) cho tất cả các dòng ôtô chạy xăng đã và sẽ bán ra thị trường. Đây được xem là động thái trấn an người tiêu dùng của VinFast sau khi hãng này ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm nay.

Nói về việc xây dựng hệ thống trạm sạc cho xe điện, trao đổi với Lao Động, đại diện truyền thông của VinFast cho biết, trong năm 2022, đơn vị này sẽ tiếp tục xây dựng bổ sung hệ thống trạm sạc – bên cạnh hơn 2.000 trạm sạc đã và đang được xây dựng.

“Chúng tôi đang triển khai xây dựng hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ôtô điện tại các bãi đỗ xe của các địa điểm ở trung tâm tỉnh, thành phố như chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, trường đại học, cao đẳng, khách sạn”, đại diện VinFast cho biết.

Cũng theo VinFast, nguyên tắc xây dựng trạm sạc xe điện được thực hiện như sau: Khoảng cách trạm sạc ở quốc lộ, cao tốc sẽ rơi vào khoảng 60km-80km; còn ở trung tâm các thành phố lớn sẽ tính theo bán kính, khoảng cách trung bình từ 2-5km sẽ có một trạm sạc. Hệ thống trạm sạc xe điện “phủ” trên 63 tỉnh thành. 

“Trên thực tế, VinFast đã có hàng nghìn trạm sạc được lắp đặt rồi, nhưng chưa đấu nối điện vì lượng xe bàn giao ra còn ít. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên phát triển khu vực có khách hàng đang sử dụng xe. Việc xây dựng trạm sạc xe điện sẽ được tiếp tục xây dựng trong năm 2022”, vị này cho hay.

Cũng theo đại diện truyền thông của VinFast, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, VinFast sẽ hợp tác với chủ sở hữu của các bãi đỗ xe, ban quản trị các toà nhà chung cư để lắp đặt hệ thống trạm sạc

“Chúng tôi chịu trách nhiệm về việc lắp đặt và kéo đường điện, còn chủ sở hữu các bãi xe có nhiệm vụ bảo quản hệ thống trạm sạc. Lợi nhuận từ nguồn thu cũng sẽ được chia sẻ với đơn vị sở hữu của các bãi đỗ xe”, VinFast thông tin.

 

ANH TUẤN
Theo LĐO