Giới chuyên gia và các nhà thiết kế khẳng định, họ nhìn thấy tiềm lực kinh tế rất lớn của chiếc áo dài.

Nhà thiết kế – Hoa hậu Đặng Ngọc Hân khi trả lời phỏng vấn Lao Động về áo dài đã nhắc đi nhắc lại những tiềm năng, tiềm lực từ chiếc áo truyền thống – mà Việt Nam chưa khai thác hết.

Đặng Ngọc Hân lấy ví dụ từ việc Hàn Quốc đưa hanbok trở thành biểu tượng và thương hiệu văn hóa. “Cách người Hàn quảng bá hình ảnh hanbok tốt tới mức, ai đến đây du lịch cũng muốn mua hanbok về làm kỷ niệm, hoặc thuê hanbok để mặc chụp ảnh “check in”. Đơn cử như việc, khi bạn đến thăm cung Gyeongbokgung. Gyeongbokgung là điểm đến trong hầu hết các tour du lịch ở Seoul. Vé vào tham quan cung điện Gyeongbokgung khoảng 3.000 won/vé. Nhưng nếu các du khách đến đây đồng ý thuê và mặc trang phục truyền thống hanbok để vào thăm cung điện Gyeongbokgung sẽ được miễn phí vé vào cửa”.

Ngọc Hân bày tỏ: “Chúng ta cũng có rất nhiều khu di tích lịch sử chất chứa những câu chuyện xưa đầy tự hào. Vậy tại sao, ở các khu di tích lịch sử như kinh thành Huế, chúng ta không mở những gian triển lãm áo dài, cho thuê áo dài, hay đặt ra những yêu cầu giống như cung Gyeongbokgung, rằng nếu du khách thuê áo dài vào tham quan kinh thành Huế, sẽ được miễn phí vé ra vào, chẳng hạn vậy”.

Khả năng kiếm tiền của áo dài

Thực tế, nhiều khách quốc tế đã bày tỏ tình cảm với áo dài Việt Nam. Áo dài cũng trở thành món quà lưu niệm được nhiều du khách mua về tặng bạn bè, người thân. Nhiều tuần lễ thời trang quốc tế đã mời áo dài Việt Nam đến trình diễn.

Áo dài Việt được du khách quốc tế yêu thích. Ảnh: FBNV

Tuy “lận đận” trên hành trình được công nhận là quốc phục, nhưng áo dài (đặc biệt áo dài nữ) từ lâu đã được coi là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Thiết kế áo dài được ngợi khen, yêu thích từ trong nước đến quốc tế. Áo dài vừa kín đáo, quyến rũ, vừa thướt tha, dịu dàng, tôn lên vẻ đẹp hình thể của phụ nữ.

Theo đánh giá của họa sĩ Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt – không nên xét về tính thương mại của một biểu tượng văn hóa, nhưng có thể nhìn thấy những tiềm lực mà áo dài mang lại cho du lịch, kinh tế.

“Quảng bá áo dài, có chiến lược đầu tư cho áo dài, chính là thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may thủ công. Hiện nay, những chất liệu có thể may áo dài như the, lụa tơ tằm… có giá thành khá đắt, vì ít người dùng. Nếu có nhiều người tiêu dùng, giá thành sẽ giảm đi. Đằng sau chiếc áo dài thấm đẫm văn hóa truyền thống còn là cả ngành dệt may thủ công, là chất liệu vải quý – được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta nâng tầm, phát triển hình ảnh áo dài ra thế giới, chính là tìm lối ra cho dệt may, vải thủ công của Việt Nam” – họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhận định.

NTK Minh Hạnh từng giúp vải zèng, thổ cẩm trở nên nổi tiếng thế giới khi được thiết kế trên áo dài. Trong gần một thập kỷ, những chiếc áo dài thổ cẩm, lụa tơ tằm của NTK Minh Hạnh đã ra mắt và gây ấn tượng mạnh ở nhiều sàn diễn quốc tế. NTK Minh Hạnh kể lại, “không chỉ yêu thích, khách quốc tế còn kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh tế của thổ cẩm, và cách người Mông, người Tà Ôi của Việt Nam dệt nên thổ cẩm”.

Một thiết kế áo dài thổ cẩm của NTK Minh Hạnh. Ảnh: VHY

“Áo dài sẽ giúp Việt Nam mở ra nhiều cánh cửa”

Giới chuyên gia văn hóa nhận định, ở thời đại toàn cầu hóa, khi công nghệ thông tin đặt mọi quốc gia trên một thế giới phẳng, những gì là bản sắc càng phải giữ gìn và phát triển.

“Bản sắc văn hóa, sự riêng biệt, không trộn lẫn chính là chìa khóa dẫn đến mọi cánh cửa hội nhập” – NTK Minh Hạnh nói. Theo đó, áo dài là một biểu tượng văn hóa, nhưng chưa có được vị thế xứng tầm. Áo dài và bản sắc riêng biệt vốn có sẽ giúp Việt Nam mở ra nhiều cánh cửa – mà chúng ta chưa chạm tới.

Trở lại câu chuyện phát triển hình ảnh hanbok một cách chiến lược, bài bản của người Hàn, khi ở các khu du lịch văn hóa, hay những khu thương mại, tuần lễ thời trang… họ luôn có khu trưng bày riêng về những loại vải có thể may hanbok, cách may hanbok, cách mặc hanbok, hanbok mang ý nghĩa gì… Để từng chi tiết trên chiếc hanbok đều có câu chuyện riêng, thấm đẫm bản sắc của người Hàn.

Việc đưa hanbok đến gần với mỗi du khách, ai cũng có thể mặc thử, có thể mua, có thể tự chọn loại vải để may thành chiếc hanbok như mình muốn… đã khiến ai đến Hàn Quốc cũng có ký ức riêng về hanbok.

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, áo dài giúp những loại vải truyền thống của Việt Nam như lụa tơ tằm, thổ cẩm, the… có thể bước ra thế giới. Ảnh: NVCC

Áo dài cũng cần những kế hoạch phát triển như thế. Áo dài cần sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành, trong nhiều khâu quản lý, để có được vị thế xứng tầm, có được tầm nhìn chiến lược, từ đó trở thành một thương hiệu văn hóa giàu bản sắc.

 

HÀO HOA 

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tiem-luc-kinh-te-cua-ao-dai-1084090.ldo