Mối quan hệ giữa nhà tài trợ và các thí sinh, những tân hoa hậu, á hậu còn kéo theo muôn vàn những giai thoại phía sau hậu trường một cuộc thi nhan sắc.

Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về một cuộc thi hoa hậu. Nếu định nghĩa đơn giản nhất thì đó là một sự kiện mang tính giải trí, là một cuộc thi dành cho những cô gái đẹp có hình thể chuẩn. Nhưng dù nhìn ở góc độ nào, bài toán kinh tế, tính lợi nhuận vẫn hiện lên rất rõ.

Dự án kinh doanh được kêu gọi đầu tư rầm rộ

Không khó để nhận ra những logo của nhà tài trợ “chăng đầy” trong những pano, áp phích, poster quảng bá về cuộc thi hoa hậu ngay khi ban tổ chức công bố các vòng sơ khảo, chung khảo đến chung kết.

Nhà tài trợ là phần không thể không có ở các cuộc thi hoa hậu. Trước khi cuộc thi khai màn, ban tổ chức sẽ dành nhiều tháng “vận động hành lang”, kêu gọi tài trợ.

Với một cuộc thi sắc đẹp, rất nhiều nhà tài trợ ở các thị phần, “mảng miếng” kinh doanh khác nhau có thể tham gia. Từ nhà tài trợ làm tóc, trang điểm, nước hoa, trang sức, phục trang, áo dài, kim cương, vàng bạc đá quý, du lịch, nghỉ dưỡng, hàng không (di chuyển qua các địa điểm thi), ngân hàng, spa làm đẹp… đều có thể tham gia.

Chính nhờ sự đa dạng, phong phú về các lĩnh vực có thể kêu gọi tài trợ, nên dự án kinh doanh “thi hoa hậu” luôn mang tính “khả thi” về mặt doanh số, được nhiều ban tổ chức hào hứng lên kế hoạch.

Hình ảnh hoa hậu luôn được chụp với phần “backdrop” tràn ngập logo các nhãn hàng tài trợ. Ảnh; BTC

Khán giả đã quá quen thuộc với hình ảnh thí sinh thi hoa hậu nhưng không chỉ thi, còn phải nỗ lực quảng bá hình ảnh cho nhà tài trợ. Ngay trong các đêm thi bán kết, chung kết, đã “cài cắm” đủ các màn quảng cáo, trong đó nhiều nhất là quảng cáo cho du lịch, nghỉ dưỡng, các dịch vụ làm đẹp, mặc phục trang, đeo trang sức… của các nhà tài trợ.

Hình ảnh “dàn mạnh thường quân” xuất hiện xuyên suốt cuộc thi, từ vòng đầu tiên đến đêm cuối cùng. Bắt đầu từ khi poster về cuộc thi được treo lên, đến khi chung kết khép màn với hình ảnh các nhà tài trợ xếp hàng lên trao giải.

Sau đêm chung kết, khi đã có tân hoa hậu, á hậu, sẽ vẫn là hình ảnh dàn người đẹp đứng chụp ảnh với phần “backdrop” (phông nền) tràn ngập logo của các nhãn hàng tài trợ.

Chưa kể, nhiều hoa hậu, á hậu còn bị ràng buộc với nhiều hoạt động của các nhà tài trợ trong suốt những năm giữ nhiệm kỳ, sau khi đăng quang.

Mối quan hệ giữa nhà tài trợ và các thí sinh, những tân hoa hậu, á hậu còn kéo theo muôn vàn những giai thoại phía sau hậu trường một cuộc thi nhan sắc.

Kiếm tiền “khủng” từ quảng cáo

Đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 diễn ra vào ngày 25.6 được truyền hình trực tiếp trên truyền hình vào giờ vàng (từ 20h). Đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 được tổ chức vào 16.7 và cũng được truyền hình trực tiếp.

Giá quảng cáo trên truyền hình ở khung giờ vàng, mức giá rơi vào khoảng từ 100-160 triệu đồng cho một block 30 giây. Với một phút quảng cáo, số tiền thu được có thể dao động từ 250-350 triệu đồng tùy vào độ hút, sức hấp dẫn của chương trình.

Sau cuộc thi, nhiều hoa hậu còn phải ký kết ràng buộc với BTC và nhà tài trợ. Ảnh: BTC

Theo quy định tại Điều 22 Luật quảng cáo 2012 quy định thời lượng quảng cáo trên truyền hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Những chương trình giải trí kéo dài hơn 2 tiếng phát sóng như chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, theo quy định của Luật quảng cáo, có thể sử dụng 10 -20 phút quảng cáo (10% trên tổng thời lượng phát sóng). Với 10-20 phút quảng cáo và mức giá giờ vàng cho một chương trình hấp dẫn, có rating có thể gây đột biến như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, giá tiền quảng cáo có thể lên đến nhiều tỉ đồng.

Theo thông tin từ một Agency (đơn vị chuyên đặt quảng cáo cho các doanh nghiệp), giá quảng cáo niêm yết trên các văn bản của TvAD có thể thay đổi, cao – hoặc thấp hơn, tùy thuộc vào mối quan hệ với khách hàng, tùy thuộc vào sức hút vào chỉ số rating của chương trình trên sóng giờ vàng.

Từng có những chương trình với sức hút đặc biệt đã vi phạm luật quảng cáo trên giờ vàng khi thời lượng quảng cáo quá 10% thời lượng phát sóng, có thể lấy đơn cử như chung kết Rap Việt 2020 đã có hơn 30 phút quảng cáo.

Theo Youth Inc đánh giá, người thực sự được hưởng lợi từ những cuộc thi hoa hậu chắc chắn không phải là số đông. Các cuộc thi sắc đẹp đang hoạt động như một công xưởng hái ra tiền cho ban tổ chức.

Sắp tới đây, còn hàng loạt cuộc thi sắc đẹp sắp được tổ chức, có thể kể đến: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12.8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22.10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15.12), Miss Peace Vietnam (11.9), Miss Grand Vietnam (25.9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22.10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30.12)… 

 

 

MI LAN

Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/vi-sao-boi-thuc-hoa-hau-1069676.ldo