Trong hàng thập kỷ, nhà văn đoạt giải Nobel- Annie Ernaux đã mổ xẻ những suy tư, trải nghiệm rất riêng, rất nhạy cảm về những góc khuất của cuộc đời mình.
Tác phẩm của chủ nhân Nobel Văn học 2022 là những câu chuyện về người phụ nữ và những người xuất thân từ tầng lớp công nhân, rất ít khi được minh họa một cách chủ đạo trong văn học. Bà đã mô tả lại quá trình lớn lên của mình ở một thị trấn nhỏ ở Normandy, hay lần phá thai bất hợp pháp của chính bản thân hồi năm 1960, sự bất mãn với cuộc sống, và cả cuộc ngoại tình đầy đam mê của bà.
Trong cuốn hồi ký viết năm 1997 mang tựa đề “Shame” (Nỗi hổ thẹn), bà thậm chí từng chia sẻ: “Tôi sẽ tiến hành công cuộc nghiên cứu dân tộc từ chính bản thân mình”.
Việc Annie Ernaux được xướng tên tại Nobel 2022 cho thấy sự dũng cảm và tính sắc bén mà từ đó, bà đã khám phá đến tận cùng những hồi ức bị kìm nén. Và bà, ở tuổi 82 hứa hẹn, sẽ tiếp tục cầm bút, bởi việc nhận giải Nobel đồng nghĩa với trách nhiệm phải tiếp tục sứ mệnh văn học. Bà cảm thấy như được thúc ép để đào sâu hơn nữa sự bất bình đẳng và chiến đấu cho nữ quyền.
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Ernaux viết tiểu thuyết dạng tự truyện, nhưng sau đó, bà bắt đầu viết hồi ký, tuy nhiên, bà cũng không phân định các tác phẩm của mình ở dạng thức hư cấu hay có thật.
Dan Simon – sáng lập viên Nhà xuất bản Seven Stories, nơi đã xuất bản tác phẩm của bà bằng tiếng Anh 31 năm qua nhận định: “Tất cả những gì bà ấy viết, mỗi con chữ đều đầy yếu tố văn học nhưng cũng rất đời, rất chân thực.
Những câu chuyện bà viết giai đoạn năm 1980 và 1990 về một lần cấn thai và phá thai ngoài ý muốn, về cuộc tình trăng gió, cũng như sự giằng xé trong hôn nhân và bổn phận làm mẹ được coi là vô cùng sốc với giới bảo thủ, nhưng đó thực sự là dấu ấn vang dội trong cộng đồng độc giả nói chung.
Ernaux cũng từng cho rằng sự nghiệp viết của bà mang yếu tố chính trị, nhằm chứng minh sự bất bình đẳng tồn tại trong xã hội, và bà dùng ngòi bút làm công cụ chiến đấu. Trong các tác phẩm, bà luôn đặt trải nghiệm cũng như hồi ức riêng tư của mình trong bối cảnh xã hội và văn hóa Pháp, đồng thời so sánh nó với cuộc chiến đấu của phụ nữ và giai cấp công nhân trên toàn cầu.
Ernaux sinh năm 1940 trong một gia đình công nhân ở Yvetot, thị trấn nhỏ vùng Normandy nơi cha mẹ bà kiếm sống bằng gian hàng rau quả và café. Cha bà là một người vũ phu, năm 12 tuổi, bà từng phải chứng kiến ông muốn giết mẹ mình, và bà đã giãi bày trong cuốn “Nỗi hổ thẹn”. Ngay từ dòng đầu tiên, bà đi thẳng vào câu chuyện: “Cha tôi đã cố giết mẹ tôi vào một ngày chủ nhật tháng 6, đầu giờ chiều”.
Ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học, bà đã thử viết lách nhưng các nhà xuất bản khi ấy từ chối với lý do “quá tham vọng”. Và bà đã bỏ bẵng việc viết lách cho đến khi trở lại vào năm 30 tuổi, khi ấy bà đã làm mẹ và đang là giáo viên tiếng Pháp. Sự trở lại lần này đã giúp bà ra mắt cuốn sách đầu tiên “Cleaned Out” vào năm 1974. Cuốn tiểu thuyết này bà đã giấu chồng để viết, bởi ông xem thường tài năng của bà. Sau khi bà bán bản quyền cho nhà xuất bản uy tín Gallimard, chồng bà tức điên lên. Đương nhiên là sau đó, khi bà xuất bản đến tác phẩm thứ ba “A Frozen Woman” năm 1981, thì cuộc hôn nhân của bà không cứu vãn được nữa. Bà không bao giờ tái hôn, và tuyên bố hài lòng với cuộc sống tự do, tự tại.
Năm 1992, bà đạt thành công lớn về mặt thương mại ở Pháp khi xuất bản cuốn “Simple Passion”, cuốn sách phơi bày cuộc tình vụng trộm của bà với một nhà ngoại giao đã có gia đình. Những nhà bảo thủ giận giữ và cho rằng đó là câu chuyện không thể tha thứ, nhưng đa phần độc giả có cái nhìn đồng cảm với sự khát khao mãnh liệt của người phụ nữ. Tổng kết lại, cuốn sách đã bán được hơn 200.000 bản sau 2 tháng ra mắt.
Ernaux cũng thường xuyên đào sâu lại những sự kiện có thật trong cuộc sống của bà ở nhiều góc nhìn. Ở cuốn hồi ký năm 2000 “Happening”, bà một lần nữa kể về câu chuyện phá thai hồi năm 1963 thời còn đang là sinh viên, mà trước đó bà từng bày tỏ qua tác phẩm đầu tay “Cleaned Out”. Cuộc tình ngoài hôn nhân của bà bên cạnh cuốn “Simple Passion,” cũng được trình bày lại với một giọng kể mới trong cuốn “Getting Lost”.
Sự cố đớn đau nhất trong đời bà, về những trải nghiệm tình dục hè 1958 khi mới bước vào tuổi 18 khi bà cảm thấy cùng lúc cảm giác bị bỏ rơi, nỗi xấu hổ, bị bệnh biếng ăn, và cả sự trầm cảm. Tất cả những giới hạn cảm xúc ấy đã được bà thể hiện trong cuốn A Girl Story (Hồi ức thiếu nữ), bán chạy tại Việt Nam.