Có rất nhiều nghệ sĩ xiếc đang hoạt động tại rạp xiếc thuộc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Ngoài những gương mặt trẻ, có người đã theo đoàn hơn 10 năm, thậm chí 40 năm. Dù xuất phát điểm khác nhau nhưng tất cả đều có chung đam mê và cái duyên với nghề. Họ chấp nhận xa gia đình từ nhỏ để khổ luyện, theo đuổi ước mơ.

NSND Phi Vũ trình diễn một tiết mục. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Chật vật giữ lửa đam mê

Những nghệ sĩ xiếc hoạt động tại TPHCM chia sẻ, dưới ánh đèn sân khấu, họ có những phần trình diễn thăng hoa. Nhưng đêm về, bản thân lại đau đáu nghĩ đến tương lai, nghĩ về cái nghề phải bỏ bao mồ hôi nước mắt, đặt cược mạng sống vào những đêm diễn này.

Không diễn viên xiếc nào lại tránh khỏi những rủi ro, nhất là những người còn trẻ, non nghề. Có người bị tai nạn phải bỏ nghề hoặc chuyển nghề, còn chuyện chảy máu, chấn thương như cơm bữa. Nhưng những đau thương ấy không làm vơi đi niềm đam mê xiếc của họ.

Nghệ sĩ xiếc Hoàng Dũng – người có 25 năm gắn bó với bộ môn thăng bằng với ống lăn kể rằng, trong nghề này chấn thương, tai nạn nghề nghiệp trả giá bằng những thương tật cả đời… là chuyện thường tình. Cũng vì quen và đam mê nên họ xem nhẹ mọi khó khăn và tâm niệm rằng “cứ nghĩ về những điều tốt đẹp thì khó khăn sẽ qua”.

Việc mưu sinh bằng nghề xiếc tại Việt Nam đang là lựa chọn không nhiều người dám theo đuổi. Bên cạnh đó, số lượng rạp xiếc hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ngoài rạp xiếc tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam hoạt động chuyên nghiệp thì TPHCM hầu như chỉ có xiếc theo hộ gia đình, đội nhóm.

Hoạt động tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã hơn 40 năm, NSND Phi Vũ là người chứng kiến biết bao thăng trầm với nghề, những thế hệ nối tiếp, người ở lại, người rời đi. Ông nói rằng, các lĩnh vực như xiếc có thể nghỉ hưu sớm là điều đáng mừng. Mong cho các nghệ sĩ xiếc về hưu sớm được hưởng chế độ giống như các ngành nghề khác trong xã hội, bởi “đã theo nghề này thì khó theo đuổi nghề khác”.

NSND Phi Vũ nói rằng, bản thân sắp về hưu nhưng hiện tại vẫn còn đi biểu diễn để mưu sinh. “Ngày xưa, tôi luyện tập với cường độ cao nhưng bây giờ sức lực mình không có nên chỉ diễn được những bộ môn nhẹ nhàng, góp vui cho các cháu. Nhiều nghệ sĩ xiếc, đến một độ tuổi nhất định, họ không thể theo những bộ môn nặng được nữa. Nhưng nếu muốn về hưu sớm thì không đủ số năm để được lãnh lương hưu. Vậy nên, có những người bám trụ, còn một số khác như chị em phụ nữ thì không còn đủ sức”, nghệ sĩ Phi Vũ trải lòng.

Khi trò chuyện cùng chúng tôi, nghệ sĩ Phi Vũ tiết lộ rằng, nếu chỉ diễn xiếc thì đồng lương các nghệ sĩ nhận được không đủ sống. Bởi đa phần các nghệ sĩ đều không có nghề tay trái, mọi tâm huyết đã dồn hết cho bộ môn này. Để một nghệ sĩ xiếc làm nghề tốt, họ phải dành rất nhiều thời gian luyện tập, nếu không sẽ bị mai một, bị phân tâm và không làm nghề được.

“Các nghệ sĩ theo nghề được 2 – 3 năm thì chỉ khoảng 2 – 3 triệu đồng đến 4 – 5 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi suất diễn, chúng tôi được trả 200 – 300 nghìn đồng. Để trang trải, chúng tôi phải đi show ngoài để kiếm thêm”, ông Vũ chia sẻ.

Cũng là một người có thâm niên trong nghề, nghệ sĩ xiếc Hoàng Dũng đưa ra nhận định rằng bộ môn này cũng tùy trường hợp nặng hay nhẹ. Có nhiều tiết mục mà ngoài 60 hoặc 70 tuổi, người ta vẫn còn làm được, còn một số bộ môn nặng tôi nghĩ họ cần được nghỉ hưu sớm. Hiện tại, bản thân anh cũng diễn thêm ở ngoài mới đủ sống.

Một trong những trăn trở của các nghệ sĩ xiếc hiện tại là tình hình các suất diễn xiếc ở TPHCM đang có dấu hiệu giảm sút. Trước dịch COVID-19, suất diễn khá ổn nhưng sau dịch bị giảm bớt rất nhiều, có thể do một phần vì tình hình kinh tế, các hoạt động vui chơi giải trí bị ảnh hưởng.

NSND Phi Vũ, Hoàng Dũng kết hợp trong một tiếc mục xiếc. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Khát khao thỏa đam mê với nghề, được công nhận

Khó khăn, vất vả và những thăng trầm với nghề là thế nhưng khi nhìn lại một hành trình đã qua, các nghệ sĩ xiếc cho biết, “đã chọn nghề thì không hối hận”.

Đa phần nghệ sĩ đến với nghề đều bắt nguồn từ đam mê và thái độ sống tích cực. Nghĩ về những điều tốt đẹp để mọi thứ dễ dàng hơn. Đó là lý do mà dù thăng trầm trong nghề, nhiều nghệ sĩ yêu xiếc vẫn đang nỗ lực tìm chỗ đứng trong lòng khán giả. Họ mang theo thật nhiều ước mơ, nhiều khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Nghệ sĩ trẻ Phước Hiển – giải Bạc Liên hoan xiếc quốc tế 2015, bày tỏ: “Mong rằng sẽ có thêm nhiều sân khấu để nghệ sĩ xiếc trẻ như chúng tôi có cơ hội trải nghiệm và học hỏi. Mong nhiều khán giả sẽ biết đến nghệ thuật xiếc và hơn hết là chúng tôi sẽ có được một chỗ đứng trong lòng công chúng”.

NSND Phi Vũ cũng mong muốn dành nhiều thời gian để chia sẻ với các bạn trẻ có cùng đam mê và động viên họ, mong nghệ sĩ xiếc trẻ hãy cố gắng theo nghề, phát triển tài năng để đóng góp cho ngành xiếc Việt Nam.

Nghệ sĩ Hoàng Dũng diễn xuyên suốt không ngừng nghỉ 25 năm trong nghề, bắt đầu từ năm 1999 đến nay. Anh nói, bản thân chưa bao giờ cho phép mình gục ngã, mệt mỏi mà chỉ mong làm sao khán giả luôn đón nhận mình.

 

 

Ngọc Dủ,

Laodong.vn