Không chỉ là trang phục truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, tà áo dài Việt Nam còn góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển theo nhiều cách.

Tháng 3 hàng năm từ lâu đã được gọi là “Tháng áo dài” tại Việt Nam bởi nhiều hoạt động, lễ hội tôn vinh tà áo dài diễn ra trên khắp cả nước. Các sự kiện lớn như Lễ hội áo dài tại TPHCM hay Tuần lễ áo dài ở Hà Nội không chỉ giúp giữ gìn, lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo dàitruyền thống mà còn trở thành sự kiện văn hóa – du lịch đặc trưng, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Cụ thể trong thời gian qua, các nhà văn hóa và đơn vị du lịch đã không ngừng nỗ lực để đưa áo dài xuất hiện vào các sản phẩm du lịch Việt Nam. Áo dài được mặc và tôn vinh ở các ngày lễ, hội quan trọng như một cách để giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt tới du khách quốc tế.

Áo dài góp phần quảng bá du lịch Việt. Ảnh: FBNV

Áo dài cũng xuất hiện trong nhiều dự án, chương trình liên quan đến du lịch như Không gian triển lãm Áo dài và điểm đến du lịch, Hành trình quảng bá Du lịch Việt Nam – Áo dài và những di sản văn hóa… Tại đây, áo dài được chu du khắp cả nước, đi qua các danh lam thắng cảnh, địa điểm có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Từ đó, tà áo dài trở thành “đại sứ văn hóa”, giới thiệu những địa danh ấn tượng của Việt Nam tới du khách thập phương.

Thăm Bảo tàng áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… du khách được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của tà áo dài Việt Nam gắn liền với các biến cố thăng trầm của lịch sử. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn cho những du khách thích khám phá văn hóa, lịch sử của các quốc gia mà họ đi qua.

Ngoài ra, áo dài cũng xuất hiện nhiều trong các ấn phẩm du lịch, tem phiếu, post card, tranh ảnh, truyền hình cùng những danh lam thắng cảnh của Việt Nam để quảng bá ở khắp nơi trên thế giới. Du khách đến Việt Nam cũng được khuyến khích diện áo dài để trải nghiệm, check-in tại các địa điểm mang tính đặc trưng cho văn hóa truyền thống dân tộc.

Đơn cử, để khuyến khích du khách mặc áo dài, ngày 5-10.3.2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã miễn vé tham quan di tích đối với phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống. Hành động này cho thấy sự phát hiện, chú trọng của Huế trong việc khai thác tiềm năng du lịch từ áo dài giống như Hanbok ở Hàn Quốc hay Kimono ở Nhật.

Không chỉ tạo thói quen mặc áo dài để trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống Việt, tà áo dài còn củng cố để trở thành một trong những sản phẩm du lịch có thể mua về làm quà cho du khách. Cụ thể, chiếc áo dài ngày nay được may mỏng, nhẹ, với nhiều sản phẩm cách tân cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và vóc dáng người nước ngoài.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất, may áo dài cũng có nhiều chương trình ưu đãi về giá cho du khách. Ngoài các mẫu áo có sẵn, thời gian cắt may mới cũng được rút ngắn để đảm bảo phù hợp với khách du lịch ngắn ngày muốn mua về mặc hoặc làm quà.

Là người từng du lịch nhiều quốc gia trên thế giới, nhà thiết kế áo dài – Hoa hậu Ngọc Hân cho biết một số nước Châu Á rất chú trọng việc đưa trang phục truyền thống vào du lịch về nguồn. 

Hanbok được tận dụng để giới thiệu, quảng bá du lịch Hàn Quốc. Ảnh: FBNV

 

 

TRANG NGỌC 

Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ao-dai-gop-phan-quang-ba-du-lich-viet-nhu-the-nao-1083814.ldo