Trước khi ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhiều ý kiến cho rằng điều này không công bằng với ôtô nhập khẩu. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khẳng định, việc giảm 50% lệ phí trước bạ hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19.1, ông Nguyễn Văn Phụng – Cục trưởng Cục Doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2021, biến thể Delta đã làm dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến thể trước đó, làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch và gây thiệt hại to lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Trước những khó khăn đó, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân như hỗ trợ tiền thuế và tiền thuê đất năm 2020, giải pháp hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021, thực hiện gói miễn giảm thuế theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, miễn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh, gia hạn thời gian nộp thuế Thu nhập đặc biệt 2 tháng cuối năm 2021, giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước…
Riêng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1.12.2021 đến ngày 31.5.2022, theo ông Phụng có nhiều ý kiến của Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô cho rằng – điều này không công bằng với họ. Và việc giảm 50% lệ phí trước bạ cần được áp dụng thống nhất đối với ôtô nhập khẩu và lắp ráp, sản xuất trong nước.
Từ những thắc mắc này, trong thực thi, chúng ta cần kiên định giải thích cho những ai quan tâm, đề xuất hoặc nêu ý kiến về giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả xe nhập khẩu rằng, trong khi nguồn lực có hạn, chúng ta dành sự ưu tiên cho các hãng xe quốc tế có cơ sở sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Bởi các cơ sở này đóng góp trực tiếp, có liên quan trực tiếp với người dân Việt Nam.
“Tôi muốn gửi thông điệp rằng, việc chúng ta giảm 50% lệ phí trước bạ hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì đây là nguồn tài trợ của chúng ta dành cho người dân của chúng ta. Luật do Quốc hội ban hành, nhưng mức giảm thì do UBND hoặc do Bộ Tài chính quy định. Các tỉnh được quyền giảm 50% theo mức khung đã quy định. Chúng ta hoàn toàn đúng quy định công ước quốc tế”, ông Phụng khẳng định.
Cũng theo Cục trưởng Cục Doanh nghiệp lớn, về số thu ngân sách nhà nước, thực tế năm 2020 khi áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã đóng góp vào ngân sách 11.200 tỉ đồng.
“Việc tiếp tục áp dụng chính sách như năm trước cũng sẽ có tác động kích cầu tiêu dùng và sẽ tăng được số thu ngân sách nhà nước về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng từ công nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như tăng số thu thuế từ các hoạt động dịch vụ kéo theo việc tăng tiêu dùng”, ông nói.
Trước đó, ngày 26.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước. Đây là chính sách được giới kinh doanh ôtô cũng như người có nhu cầu sắm xe hơi mong chờ trong thời gian gần đây.
Theo đó, từ ngày 1.12 năm nay đến 31.5 năm sau sẽ áp dụng việc giảm lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước, mức giảm là 50% so với quy định hiện hành.
Từ ngày 1.6.2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về theo quy định cũ tại nghị định số 20/2019 của Chính phủ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.12 đến hết ngày 31.5.2022.