Cuộc triển lãm phức hợp “Phiêu tháng Sáu” tại không gian nghệ thuật Stop And Go (TP.Đà Lạt) là những câu chuyện thú vị được kể bằng các chất liệu độc đáo như nhôm, thép, inox, mica… của những nghệ sĩ trẻ và rất trẻ đến từ Hà Nội.

Đúng như tên gọi của triển lãm, “Phiêu tháng Sáu” vừa được khai mạc vào ngày cuối tháng 5 và sẽ kéo dài đến hết tháng 6 tại số 88 Lý Tự Trọng, phường 2, TP.Đà Lạt.

Triển lãm Phiêu tháng Sáu sẽ kéo dài suốt tháng 6 năm nay

Cuộc triển lãm là cú bắt tay giữa 3 loại hình nghệ thuật hội hoạ – điêu khắc – nhiếp ảnh với mong muốn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật cảm xúc phiêu diêu, bay bổng như những đám mây qua đất trời Đà Lạt.

Bên cạnh những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như hoạ sĩ Phạm Huy Thông, điêu khắc gia Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh, triển lãm “Phiêu tháng 6” còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ rất trẻ, vừa mới ra trường như Nguyễn Hoàng, Lưu Văn Liêm (đều sinh năm 1999), Minh Anh, Vũ Tuấn Đạt (đều sinh năm 1998) và Nguyễn Thuỳ Dương (sinh năm 1995). 

Các nghệ sĩ tham gia triển lãm Phiêu tháng Sáu tại Đà Lạt.

Dù tuổi đời còn rất trẻ thế nhưng bề dày hoạt động của những nghệ sĩ này lại không hề mỏng. Họ đều là học trò của điêu khắc gia Phạm Thái Bình và Vũ Bình Minh, sở hữu những kinh nghiệm dày dạn qua nhiều dự án, triển lãm từ khi còn là sinh viên trên ghế giảng đường.

8 nghệ sĩ là những cá tính khác nhau và tiếng nói nghệ thuật lại càng riêng biệt. Thế nhưng, trong không gian của “Phiêu tháng Sáu”, 8 màu sắc ấy lại cùng chia sẻ nhiều mối quan tâm chung, ít nhất là từ những chất liệu tưởng chừng rất khó để “phiêu” trong nghệ thuật như sắt, thép, nhôm, inox… để kể câu chuyện của riêng mình.

Câu chuyện của Minh Anh, nữ điêu khắc gia trẻ nhất của triển lãm là những câu hỏi đối nghịch. Lựa chọn chất liệu inox để tạo những nét cứng và nhọn đầy gai góc, Minh Anh thể hiện sự nữ tính của mình bằng những nét mềm mại, mong manh từ chất liệu mica trong suốt.

Dù chỉ có kích thướng nhỏ nhưng tượng của Minh Anh thường gợi những khối, những diện lớn hơn nhiều so với giới hạn vật lý của tác phẩm.

Còn Thuỳ Dương lại mang đến triển lãm những tác phẩm từ chất liệu inox khó nhằn và có kích thước lớn hơn rất nhiều so với sức vóc của mình. Nữ điêu khắc gia này không cho rằng chất liệu khó xử lý sẽ giới hạn được sức sáng tạo của người nghệ sĩ.

Giải thích về lý do lựa chọn chất liệu inox trong các tác phẩm của mình, Thuỳ Dương chia sẻ: “Trong không gian triển lãm là khu sân vườn của Stop and Go, chất liệu inox không sợ mưa nắng làm ảnh hưởng hay hoen gỉ. Hơn nữa, khi trưng bày dưới ánh nắng, chất liệu inox sẽ tương tác với ánh sáng để tạo ra ấn tượng thị giác rất tốt.” 

“Thế giới diệu kỳ” với chất liệu chính từ inox tỏa sáng lấp lánh trong triển lãm Phiêu tháng Sáu.

Lưu Văn Liêm – chàng trai có phần kiệm lời nhưng luôn mong muốn truyền tải những cảm xúc tích cực qua mỗi tác phẩm của mình. Chủ đề trong những câu chuyện của Liêm đều liên quan đến sức sống, sự vươn lên… thể hiện trong từng đường nét xử lý.

“Chồi xuân” của Lưu Văn Liêm mô tả được cả nước, gió và cơ thể sinh vật sống với màu đỏ đặc trưng của sơn mài truyền thống.

Mang đến Phiêu tháng Sáu những chất liệu cứng cáp bất biến như sắt, inox… Vũ Tuấn Đạt thích quan sát sự biến đổi của thế giới xung quanh để đưa vào mỗi tác phẩm. 

Trong từng đường nét xử lý trên chất liệu tưởng chừng như khô khan ấy, Đạt muốn nhân cách hóa tác phẩm của mình như một con người đang không ngừng biến đổi, phát triển giá trị của bản thân. 

Tác phẩm “Khởi nguồn từ số Không” của Vũ Tuấn Đạt được nhân cách hoá bằng cách xử lý bề mặt chất liệu trông như những dấu vân tay.

 “Dòng chảy 04” – tác phẩm chất chứa đầy sự mạnh mẽ như chính con người Nguyễn Tuấn Hoàng. 

Là những người thầy, người anh đi trước trong nghề, các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn như Phạm Huy Thông, Phạm Thái Bình, Vũ Bình Minh khiêm tốn lui về những góc nhỏ nhắn, riêng biệt trong không gian triển lãm để tỉ tê câu chuyện của riêng mình.

Là nhà giám tuyển và cũng là hoạ sĩ duy nhất tham gia triển lãm, Phạm Huy Thông mang đến Phiêu tháng Sáu bộ tranh “Ấp Ủ” lấy cảm hứng từ những tấm bạt xanh đỏ thường được dùng để phủ các công trình đang xây dựng.

Lấp ló đâu đó sau những công trình dở dang ấy là một giấc mơ, một tham vọng cũng đang dần thành hình.
“Công trình” đó cũng như một cơ thể đang lớn dần, chờ ngày đủ lông đủ cánh để thoát khỏi tấm vải sọc.

  “Cơn mưa 02” với đầy những câu hỏi ngổn ngang không có lời giải của Vũ Bình Minh được kể bằng chất liệu thép không gỉ.

Tác phẩm “Livestream bán chim” của điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Thái Bình – Phó Trưởng khoa Thiết Kế Mỹ Thuật, trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.

 

 

 

PHƯƠNG NHIÊN

Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-si-ke-chuyen-bang-sat-thep-giua-long-da-lat-1051620.ldo