NSƯT Bảo Quốc cho biết ông có niềm tin bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ không mai một. Dù sau này, nhiều hình thức giải trí mới nhưng với ông cải lương vẫn tồn tại vì đó là nghệ thuật riêng của Việt Nam.

NSƯT Bảo Quốc về nước làm show kỷ niệm 60 năm làm nghề. Ảnh: NSCC

Hơn 60 mươi năm làm nghề là lý do NSƯT Bảo Quốc quyết định chọn cột mốc này để làm show diễn kỷ niệm và ông đã lên kế hoạch như thế nào?

– Thật sự khi tôi về Việt Nam, tôi chưa có một dự định nào để mở show diễn. Chủ yếu, tôi thăm gia đình, con cháu, bạn bè. Nhưng vì yêu nghề nên tôi trở lại. Các sân khấu hay nơi nào mà mình thấy thích hợp thì mình sẽ nhào vô. 

Gia Bảo – cháu của tôi nói thế này: “Nếu ông nội muốn diễn cho mọi người thì cũng được. Nhưng nếu ông nội muốn thỏa chí thì ông nội nên làm một show riêng để đóng được nhiều vai, còn nếu tham gia vở nào đó thì chỉ một vai thôi, điều đó không thỏa chí ông nội lắm. Thấy những lời nói của Gia Bảo cũng có lí nên tôi mới tham gia và có chương trình của “Bảo Quốc hơn 60 năm vui buồn tại sân khấu” này.

Để quy tụ một dàn khách mời toàn là những “cây đa, cây đề”, không phải nghệ sĩ nào cũng làm được, không biết NSƯT Bảo Quốc đã thuyết phục các nghệ sĩ: Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy tham gia như thế nào?

– Một cái điều mà tôi cảm động và hạnh phúc trong nghề là khi tôi đánh tiếng, các anh chị nghệ sĩ tham gia đều đồng ý liền. Không cần biết là vai gì, chỉ cần diễn chung với Bảo Quốc, không cần biết tiền cát – xê bao nhiêu, các anh, các chị đều đồng ý mà chưa biết mình sẽ làm cái gì trong chương trình này. Vì mọi người yêu quý Bảo Quốc và sẵn sàng tham gia chương trình của Bảo Quốc.

Đã từng diễn chung với nhiều nghệ sĩ gạo cội, có kỷ niệm nào mà ông nhớ mãi trong hành trình làm nghệ thuật  không?

– Các kỷ niệm diễn chung với anh chị nghệ sĩ thì nhiều lắm. Không phải là các nghệ sĩ tham gia các chương trình này đâu mà nhiều người khác nữa. Nhiều khi tôi cũng không nhớ hết nổi.

Ông có theo dõi các hoạt động nghệ thuật cải lương Việt Nam trong những năm gần đây không?

– Tôi theo dõi thường xuyên. Thấy các chương trình đào tạo hay thi tuyển cải lương, mình vui lắm vì có những người họ yêu thích các chương trình đó thì họ mới tham gia. Vậy nên cải lương còn chứ không phải mất như mọi người vẫn nghĩ.

Nếu có lời mời NSƯT Bảo Quốc tham gia làm giáo khảo chương trình cải lương thì ông có sẵn sàng nhận lời không?

– Tôi rất sẵn sàng chứ. Tôi về đây thì cũng có 3, 4 nơi mời làm giám khảo nhưng một điều tôi chưa dám làm là không theo sát từ đầu. Khi mình muốn làm giám khảo thì mình phải theo dõi từ đầu. Có nhiều em trước đó diễn xuất sắc nhưng khi các em vào bán kết thì diễn không tốt. Mình không biết các tiết mục trước như thế nào, mình vô bán kết mình chấm nhưng nếu chấm rớt các em đó thì không đúng.

Tôi sẵn sàng tham gia từ đầu tới cuối để mình nắm được tất cả các em thi để chấm chính xác hơn. Còn gọi là giám khảo để có “mỹ từ” thôi chứ đây là sự đóng góp về kinh nghiệm để người thi tốt hơn chứ không phải đánh giá các em qua từng vở diễn.

Sân khấu cải lượng bị giới hạn nhiều, tại vì các bạn trẻ hiện nay chưa hiểu và hình thức giải trí cùng bị thay đổi. Vậy thì bản thân là một nghệ sĩ gạo cội ông có cảm thấy bị chạnh lòng? Đặc biệt là khi ông sang nước ngoài thì khán giả cũng ít hơn?

– Tôi nhớ cải lương chứ. Ở Việt Nam thì mình diễn thường xuyên, nhiều khi mỗi đêm đều diễn được nhưng ở nước ngoài khán giả ít thì phải cuối tuần mới có show diễn. Còn nói chạnh lòng thì cũng có vì cải lương nó đang đi xuống một chút.

Nhưng cải lương mình không thể so sánh với các loại hình khác bởi theo suy nghĩ của Bảo Quốc, cải lương là loại hình của nghệ thuật Việt Nam. Trong khi ca nhạc hay kịch đều bị ảnh hưởng từ nước ngoài còn cải lương mới là của Việt Nam mình. Khi đàn tranh đàn lên, đàn kiều đàn lên, đàn sến nó đàn lên thì nếu là người Việt Nam rất dễ xúc động.

Nhìn lại hành trình 60 năm vui buồn của sân khấu thì điều đọng lại lớn nhất của ông là gì?

– Nó rất chông gai, nghệ thuật nó còn chông gai hơn vì nó cận kề với công chúng. 60 năm để tôi làm nghề ngoài những tài năng ra thì tôi nghĩ điều kiên quyết đầu tiên nhất là đạo đức. Người nghệ sĩ có đạo đức thì tài năng của mình mới được khán giả công nhận. Có đạo đức sẽ giữ cái tài năng đó mãi trong lòng khán giả. Đừng vì mình mong muốn tài năng vượt trội mà làm những điều sai trái, giữ đạo đức là điều đặc biệt nhất trong nghề.

Ông nghĩ sao về câu chuyện danh hiệu của nghệ sĩ, thật ra đối với những câu chuyện về tuổi đời và tuổi nghề 60 năm như NSƯT Bảo Quốc thì khán giả nghĩ ông có thể đạt danh hiệu NSND lâu rồi, các đồng nghiệp cùng thời của ông cũng đã là NSND, không biết ông có cảm thấy bị chạnh lòng không?

– Tôi được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú từ 1991, cách đây cũng 30 mấy năm. Cái này là sự đánh giá thôi, cái nào cho thì tôi nhận, thì tôi rất mừng vì đây là một danh hiệu rất cao quý mà một nghệ sĩ đạt được.

Ông có nghĩ nghệ thuật cải lương đang bị mai một không?

– Thật sự thì hiện tại nghệ thuật cải lương đang mai một, các thế hệ kế thừa của cải lương mình chưa thấy được các tài năng chói sáng. Như hồi xưa thì nhiều, từ chị Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, còn nam thì anh Thành Được, anh Hữu Phước, Hùng Cường…

Còn bây giờ khi mình tìm ra được tài năng như vậy thì vô cùng hiếm, chính cái đó làm cải lương mai một, tài danh đã mai một thì sân khấu cải lương cũng vậy thôi. Tôi rất mong những chương trình thi của cải lương sẽ tìm ra được những tài năng cải lương và hy vọng những tài năng đó sẽ chói sáng và tạo ra một kỷ nguyên mới cho cải lương.

Vừa qua cũng có vấn đề về sân khấu khi sân khấu của NSND Hồng Vân cũng gặp khó khăn, rồi NSƯT Trinh Kim Chi cũng gặp các vấn đề về các suất diễn, khán giả đến rạp không còn nhiều, đặc biệt là sân khấu phải chạy vạy các khoảng về nhân lực, hậu đài, ánh sáng… Nhiều nghệ sĩ sợ sau này họ không còn sân khấu biểu diễn, ông có nghe về vấn đề này không và ông có cảm thấy chạnh lòng khi nghệ thuật sân khấu miền Nam đang rất nhiều khó khăn?

– Mình thông cảm cho các nghệ sĩ đứng ra tổ chức, như NSND Hồng Vân đã nắm sân khấu rất lâu rồi và cũng bỏ nhiều công sức. Con người thì ngày càng lớn tuổi, sức khỏe càng vơi đi thì chuyện họ gánh vác một sân khấu thì càng ngày càng nặng nề.

Khi họ thấy mình không thể đứng ra tạo một suất diễn như thế nữa thì họ rút đi để trở lại nghề diễn viên nhằm bảo toàn sức khỏe và tình yêu của khán giả. Tôi thấy cũng là một cái hay, nhưng mà vô tình khi họ rút đi thì mất đi một sân khấu nữa.

Khi Trịnh Kim Chi muốn vào phụ sân khấu giúp Hồng Vân nữa thì làm sao làm nổi khi đảm đương 2 sân khấu một lúc, điều này rất là khó. Còn những ông bầu, bà bầu khác họ thấy họ không đảm đương nổi thì họ rút đi lại mất thêm một sân khấu nữa.

Ông mong gì ở sân khấu cải lương nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung?

– Tôi mong rằng sân khấu cải lương trở lại một cái đỉnh nào đó, không cần phải hoàng kim nhưng vẫn có khán giả đều đặn đến xem và sân khấu vẫn sáng đèn. Các nhà hát có thể hàng tuần cho những đoàn cải lương về biểu diễn để khán giả trong nước và ngoài nước họ đến họ xem. Đây là một đề nghị rất khó nhưng hy vọng sẽ thực hiện được.

Cảm ơn chia sẻ của ông!

 

ĐÌNH DY – VIỆT PHONG (THỰC HIÊN)

Theo https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nsut-bao-quoc-toi-tin-cai-luong-viet-nam-khong-mai-mot-1071435.ldo