Góp ý dự án Luật Điện ảnh, đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, quảng cáo trên phim truyền hình quá nhiều, điều này gây ức chế cho người xem. Chính vì vậy, cần quy định thời lượng để kiểm soát việc quảng cáo theo luật hoặc giao cho chính phủ quy định.

Quảng cáo quá nhiều gây ức chế cho người xem

Chiều 25.5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau khi ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nêu ý kiến về quảng cáo hàng hoá, dịch vụ sản phẩm trong phim. Bà cho rằng, đối với những số bộ phim hay, thu hút người xem, hiện luôn gặp phải tình trạng quảng cáo quá nhiều.

Mặc dù quảng cáo mang lại nguồn thu cho đài truyền hình, nhằm thực hiện cơ chế tự chủ, nhưng quảng cáo quá nhiều trên phim truyền hình sẽ gây ức chế cho người xem. Chính vì vậy cần quy định thời lượng để kiểm soát việc quảng cáo theo luật hoặc giao cho chính phủ quy định.

Về cấp phép phân loại phim, theo bà Hằng, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép phân loại phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng phổ biến trên địa bàn quản lý.

Song, vị đại biểu cho rằng – ngoài thẩm quyền của UBND tỉnh, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thêm việc uỷ quyền cho cơ quan chuyên môn, để thực hiện việc cấp giấy phép. Việc này phù hợp với chủ trương phân cấp phân quyền của Chính phủ.

Băn khoăn việc dùng ngân sách để xây dựng trường quay hiện đại 

Liên quan đến chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) băn khoăn về việc dùng ngân sách để xây dựng trường quay hiện đại quy định tại điểm i của khoản 2, Điều 5.

Bởi để có một trường quay hiện đại thì phải đầu tư rất lớn, phải có quy hoạch, có thiết kế, có lập dự án rất bài bản công phu, phân tích hiệu quả đầu tư và đặc biệt là quá trình quản lý, khai thác, vận hành sau đầu tư cũng phải hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ông Trần Văn Khải – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi

Nếu trường quay đó đầu tư từ ngân sách nhà nước thì tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản công. Tài sản công, phải được quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật về tài sản công. Khi tài sản công đã hình thành, phải có một đơn vị sự nghiệp công, hình thành bộ máy quản lý, con người, chi phí duy trì bộ máy, bảo trì bảo dưỡng… và phát triển nó ngày càng lớn hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải khẳng định – việc này khó khả thi do nguồn vốn ngân sách nhà nước của ta rất hạn hẹp, không đủ; trình tự, thủ tục đầu tư theo luật đầu tư công rất chậm và có nhiều vướng mắc; năng lực quản lý, khai thác vận hành của bộ máy sự nghiệp công lập thường yếu, thiếu chuyên nghiệp, khó tránh khỏi lãng phí ngân sách và kém hiệu quả. 

Ông Khải dẫn kinh nghiệm một số nước đang thực hiện chính sách xã hội hóa xây dựng trường quay, phim trường. Đó là phim trường Hoành Điếm (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) có tổng diện tích 30 km2. Đây là phim trường lớn nhất thế giới, được mệnh danh là Hollywood của Phương Đông. Chủ của công trình này là ông Từ Văn Ninh, chi phí xây dựng phim trường Hoành Điếm đến nay vào khoảng 5 tỉ USD. 

Nhờ có phim trường Hoành Điếm, mà vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Người dân tại đây thường vào vai quần chúng, hoặc phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ khách thập phương.

Phim trường Hoành Điếm không thu tiền của các đoàn làm phim, nhưng có dịch vụ cho thuê trang phục, đạo cụ. Khách du lịch cũng phải trả tiền vé vào tham quan và được hóa thân thành các nhân vật cổ trang. Mỗi ngày có khoảng 20 đoàn phim hoạt động.

Từ dẫn chứng đó, ông Khải đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc lại quy định tại điểm i Khoản 2 Điều 5 theo hướng bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh. Đặc biệt là đầu tư trường quay hiện đại kết hợp với du lịch văn hoá đảm bảo tính khả thi của chính sách, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, vị Đại biểu Quốc hội đề xuất quy định hậu kiểm phải gắn với một chế tài đồng bộ, đồng thời, kịp thời, như có cơ chế để phát hiện, khắc phục hậu quả và để xử lý vi phạm nhanh nhất, kịp thời nhất sau khi phim đã được phổ biến trên không gian mạng để tránh các rủi ro, hậu quả về văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh;

Quy định rõ, chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm nghiêm đối với các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng để buộc họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân loại phim, phổ biến phim.

 

 

NHÓM PV

Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/quang-cao-qua-nhieu-tren-phim-truyen-hinh-gay-uc-che-nguoi-xem-1049035.ldo