Là quốc gia có 54 dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội, tiềm năng và giá trị lớn trong việc xây dựng các sản phẩm văn hóa đất nước nhờ vào chính sự đa dạng văn hóa tộc người thiểu số.
1
Sự giàu có, sinh động và thành tựu văn hóa của các tộc người Việt Nam, theo chiều dài thời gian, đều mang những nét đặc sắc, độc đáo riêng. Không chỉ khác biệt trên phương diện dễ nhìn thấy như trang phục, nhà cửa, địa bàn cư trú, mà khác biệt thú vị và sâu sắc còn nằm trong các yếu tố văn hóa tinh thần, lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Mỗi một tộc người, từ đông đảo và quen tên như Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ba Na, Cơ Ho, Khmer, Gia Rai… cho đến các dân tộc ít người và có thể còn chưa được biết rộng rãi như La Hủ, Pu Péo, Lô Lô, Bố Y… đều có bề dày văn hóa mà nếu được quan sát kỹ lưỡng, chắc chắn chúng ta sẽ thu nhận rất nhiều vỡ lẽ hiểu biết.
Hơn nữa, các tộc người, dù khác nhau về sinh kế và mức sống, lại có điểm chung là quần cư lâu đời, cộng sinh với thiên nhiên cảnh quan xung quanh. Chính đặc tính này, vốn dĩ vẫn đang được củng cố và nỗ lực phát huy, đã khiến bất cứ khu vực nào có tộc người thiểu số sinh sống, cũng đều có thể tạo ra những lực hút lớn trong việc tìm đến, tham quan và trải nghiệm.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, chúng ta đẩy mạnh xu hướng khai thác văn hóa tộc người để phục vụ cho du lịch. Những lễ hội truyền thống, tập tục lâu đời hoặc di sản văn hóa của một số cộng đồng dân tộc lớn đã được phục dựng, bảo tồn và khai thác tương đối bài bản, hiệu quả. Tuy thế, tôi vẫn nghĩ rằng, dường như sự gài cắm, kết hợp, đan xen giữa du lịch với tư cách là một hoạt động dịch vụ với các giá trị văn hóa tộc người vẫn đang diễn ra theo xu hướng sao chép lẫn nhau giữa các địa phương.
Mô hình lưu trú homestay hay du lịch sinh thái tại các bản làng dân tộc miền núi vùng cao chẳng hạn, đã tràn lan đến mức nhìn đâu cũng na ná như nhau. Ở đó, các sinh hoạt và nét đẹp văn hóa thường ngày của người dân bản xứ chỉ đóng vai bổ trợ hoặc làm gia tăng điểm đến dịch vụ du lịch thay vì được xem như là vai trò trung tâm.
Một du khách có thể thích thú khoác lên mình tấm áo dệt thổ cẩm để chụp ảnh nhưng họ chưa chắc đã có nhu cầu tìm hiểu ý nghĩa của từng loại hoa văn trên từng bộ trang phục đó. Cũng như vậy, phần lớn du khách chỉ biết quan tâm chất lượng, tiện nghi các homestay hơn là bỏ chút tâm trí để quan sát, tìm hiểu về đặc điểm kiến trúc, chức năng nhà ở của tộc người.
Sự hời hợt, qua loa dĩ nhiên không tránh khỏi trong du lịch nhưng lại khiến chúng ta đứng ngoài, hiếu kỳ và dễ rơi vào trạng thái thừa nhận sự riêng biệt trong văn hóa tộc người như điểm khác thường. Trong khi, thực chất, bản thân văn hóa, lối sống hay các tầng sâu nhân sinh quan của dân tộc thiểu số đều cần đến thái độ, nỗ lực thông hiểu từ nhiều góc độ. Ở chiều ngược lại, cách khả dĩ nhất để hình hài, hồn cốt văn hóa tộc người được biểu lộ, khuếch tán là phải giữ nguyên môi trường sống mà chúng thuộc về, và không nên đơn giản hóa toàn bộ diễn biến sinh động của đời sống văn hóa thành công thức cẩm nang cầm tay. Chỉ khi được tự nhiên nhi nhiên, được cất tiếng một cách bình thường theo nhịp đập cuộc sống thường ngày, thì văn hóa tộc người mới trở nên đắc dụng.
2
Khi nhấn mạnh rằng, xã hội hiện đại đề cao đa dạng và khác biệt văn hóa, chúng ta có lý do và thực sự, cũng có cả niềm tự tín về bức khảm văn hóa các tộc người Việt Nam tuy biến đổi nhưng chưa biến dạng hoàn toàn. Nhiều thành tố văn hóa tộc người vẫn được bảo lưu, tiếp nối và đôi lúc trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Điều này khiến chúng ta phải có một cách quản lý và thực hành văn hóa phù hợp.
Ví dụ, trong khi kinh tế, xã hội cần đảm bảo phát triển đồng đều, “miền núi tiến kịp miền xuôi”, các dân tộc thiểu số phải bắt kịp người Kinh thì dòng mạch văn hóa, nhìn chung, cần được khuyến khích theo hướng giữ nguyên những nét riêng. Không nên đặt áp lực, chỉ tiêu và đồng nhất hệ đo giá trị để văn hóa của mỗi tộc người phải tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế hóa.
Thậm chí, càng toàn cầu hóa thì càng cần bảo vệ các điểm riêng khác của mỗi một khu vực văn hóa tộc người cốt sao để chúng ít bị pha trộn, mờ nhòe nhất. Bởi, so với kinh tế hay khoa học công nghệ có thể bù đắp, thay thế hoặc bổ sung nguồn lực tạo ra mặt bằng chung, thì văn hóa lại dễ tạo ra các khoảng cách, rào cản đối với thế giới bên ngoài. Nhà lầu, xe hơi và Internet vạn vật có thể vào tận giường ngủ mỗi gia đình Tây Bắc song rất khó thay thế luật tục tằng cẩu của đồng bào Thái đen.
3
Sự bền vững hoặc ít ra có thể giữ được nền nếp, thiết chế văn hóa trong sinh hoạt thường ngày là “sức mạnh mềm” mà các cộng đồng tộc người thiểu số đang chứng tỏ được ở các mức độ khác nhau. Sẽ lý tưởng hơn nếu sức mạnh ấy được lưu truyền và nhất là, được giáo dục cho các thế hệ trẻ.
Người trẻ có vai trò và khả năng gì trong văn hóa tộc người hiện nay quả là một câu hỏi lớn. Cá nhân tôi tin vào sự linh hoạt của họ với tư cách là chủ thể văn hóa mới. Nhưng họ cần thế hệ trước truyền dạy và cần được củng cố nhận thức, hành động trong điều kiện giáo dục phù hợp. Giáo dục ở đây, tôi muốn lưu ý, là một hệ thống chuyên môn sâu và lâu dài nhằm trang bị, tích lũy vốn tri thức văn hóa tộc người dành cho chính con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua con đường làm đầy tri thức, hiểu biết về cội gốc và cộng đồng mình, họ hẳn sẽ là nhân tố chính yếu để tiếp nối, duy trì, làm đầy thêm các giá trị văn hóa. Hơn nữa, khác với thế hệ trước, người trẻ cũng có sự nhanh nhạy nắm bắt các biến chuyển xã hội hơn, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi tính sáng tạo trong xây dựng sản phẩm văn hóa.
Hiện nay, theo thiển nghĩ của tôi, cần thúc đẩy hơn nữa việc đào tạo và duy trì giới trẻ có chuyên môn hiểu biết văn hóa xuất thân từ các tộc người thiểu số. Họ phải là hạt nhân trong quá trình gắn kết, truyền tải văn hóa cộng đồng mình với bên ngoài. Họ cũng sẽ đóng vai trò chính trong việc thực tiễn hóa, thương mại hóa các sản phẩm văn hóa mà họ am hiểu hơn cả.
Nhưng cần nói thêm rằng, để các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích tiền bạc thì trước hết, chúng phải thực sự mang tính cách văn hóa của từng cộng đồng. Và đồng thời, chúng phải có sự tham gia của người dân với tư cách chủ thể văn hóa. Gần đây, nhìn rộng ra, chúng ta đã thấy sự thành công nhất định của việc khai thác văn hóa tộc người trong lĩnh vực thời trang, trang trí và thiết kế, âm nhạc, múa, kiến trúc, điện ảnh, truyền thông mạng xã hội…
Mức độ thương mại hóa sản phẩm văn hóa tộc người ở các lĩnh vực này tuy chưa rõ nét như ở du lịch nhưng lại cho thấy tiềm năng tương thích với nhiều công việc, sản phẩm kinh tế – xã hội của đời sống hiện đại. Mặt khác, tâm thế xã hội hôm nay cũng dành thiện cảm nếu không muốn nói là có sự say mê, yêu thích đối với các sản phẩm mang màu sắc địa phương của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tận dụng thời cơ này, cùng với sự đầu tư, quảng bá thật trọng tâm, các nền văn hóa tộc người thiểu số không chỉ khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong các hướng sản xuất, tạo tác sản phẩm mà còn củng cố nội lực văn hóa của mình nhờ có nguồn thu kinh tế.
Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tiem-nang-phat-trien-tu-su-da-dang-van-hoa-toc-nguoi-1053091.ldo