Kể từ Sắc lệnh số 122/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10.10.1952 thành lập Nhà in Quốc gia – cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về Xuất bản, In và Phát hành sách của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành xuất bản Việt Nam đã không ngừng phát triển, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Không ngừng lớn mạnh

Trong dòng chảy lịch sử, nghề làm sách mà sau nay phát triển thành Ngành xuất bản đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ chiều Lý, cùng sự ra đời của làm giấy và khắc ván in gỗ. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bước vào thời kỳ hiện đại, song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát huy truyền thống 70 năm Ngành xuất bản in và phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi sách, báo cách mạng là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng để thực hiện tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Những tác phẩm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ trước đã đặt nền móng cho sự nghiệp xuất bản cách mạng Việt Nam.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, xuất bản cách mạng có điều kiện phát triển, thể hiện vai trò to lớn của mình trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ, giữ gìn thành quả cách mạng…

Sau 70 năm xây dựng và phát triển, Ngành Xuất bản đã có những bước phát triển đáng kể. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – Nguyễn Nguyên, đến năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Toàn ngành xuất bản đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách, trên 460 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 390 triệu đầu sách (tăng trên 1,5 lần so với năm 2001); tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 2.996,7 tỉ đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2002). 

Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của một số nhà xuất bản được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân.

Những nỗ lực rất lớn

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2021 được đánh giá là năm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế và đời sống xã hội của Việt Nam do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, ngành xuất bản cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: Hoạt động xuất bản bị gián đoạn do thời gian giãn cách xã hội; sức mua giảm; các chi phí nguyên vật liệu tăng giá do khó khăn về nguồn cung cấp; tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu kinh phí hoạt động dẫn đến việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế…

Tuy vậy, nhìn vào các chỉ số về kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản đều tăng so với năm 2020. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả tới việc thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách. Bên cạnh đó, tổng số lao động của các nhà xuất bản vẫn cơ bản được giữ vững, không bị xáo trộn và ảnh hưởng đến tinh thần chung của các cán bộ, biên tập viên nhà xuất bản, góp phần làm cho hoạt động của nhà xuất bản được ổn định trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.

Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong ba năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng.

Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử không tiếp tục gia tăng về số lượng với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả cùng sự tăng trưởng ấn tượng của một số Start up (doanh nghiệp khởi nghiệp) như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Giải Pháp Công Nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet… cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Có thể khẳng định, ngành Xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy, truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hướng đi tương lai

Hiện nay, trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chủ đạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, ngành xuất bản thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm. Không nằm ngoài xu thế đó, ở Việt Nam trong ba năm trở lại đây, xuất bản phẩm điện tử đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Tính đến tháng 5.2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản được trên 1.000 đầu sách.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là “chìa khóa” tạo bước tiến mạnh mẽ, đem lại thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành xuất bản Việt Nam. Để chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức và hành động…

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – Nguyễn Nguyên cho biết, trong hơn hai năm qua, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến doanh số ngành xuất bản nhưng đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói…, nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội, hiện nay việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số. 

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giữ vững định hướng phát triển của hoạt động xuất bản trong tình hình mới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, nhanh chóng xử lý kịp thời những vấn đề đặt ra và xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược của ngành. 

 

 

MAI HƯƠNG

laodong.vn