Không gian công cộng là toàn bộ các khoảng không gian chung, thực hay ảo, có tính địa vực (không gian thực) hay không có tính địa vực (không gian ảo), được hình thành trong đời sống thực tiễn nhằm thỏa mãn các nhu cầu sinh sống của con người, cộng đồng và xã hội. Không gian công cộng là tất cả các công gian được sở hữu công cộng hoặc sử dụng công cộng, bất kỳ người dân nào cũng có quyền tiếp cận và sử dụng.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Ảnh: Hữu Chánh

Vai trò của không gian công cộng trong đời sống

Văn hóa ứng xử là một chủ đề rất rộng lớn, bao hàm nhiều khía cạnh và đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Trong đó không gian công cộng là một dạng xã hội thu nhỏ, phản ánh trình độ phát triển xã hội. Theo PGS.TS Trịnh Văn Tùng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Không gian công cộng từ xưa đến nay đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của chúng ta, với sự tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với tài sản công cộng; là nơi lưu giữ các ký ức chung và là nơi tạo dựng các biểu tượng gắn kết cộng đồng cư dân nông thôn hoặc đô thị”.

Dựa vào tính chất người ta chia không gian công cộng thành hai loại gồm: Không gian thực, có tính địa vực như đình làng, chợ quê…; không gian ảo, phi địa vực như các diễn đàn trên facebook, zalo, trang blog, youtube… Ở nông thôn không gian công cộng đường làng, cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng; ở đô thị là công viên, ghế đá, sân khu tập thể, vỉa hè, quảng trường…

Về vai trò của không gian công cộng, PGS.TS Trịnh Văn Tùng cho biết, không gian công cộng thường có 4 vai trò chính, gắn với tất cả các khía cạnh của đời sống – xã hội. Vai trò chính trị, là nơi thể hiện quyền lực của người dân với nhà nước, là nơi thể hiện sự tự do. Vai trò xã hội, là nơi thúc đẩy sự đoàn kết, hội nhập và phát triển xã hội; nơi thể hiện quyền an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nơi để mỗi người học hỏi và thích nghi với cộng đồng, nơi giao tiếp và trao đổi thông tin. Vai trò văn hóa, là nơi kiến tạo nên bản sắc của địa phương. Vai trò kinh tế, là nơi cập nhật thông tin kinh tế; nơi để các doanh nghiệp đưa tin và quảng cáo…

Ngoài ra văn hóa ứng xử của người dân ở không gian công cộng được xem là lĩnh vực của đời sống văn hóa sinh động, tác động lớn tới các giá trị và chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Thông qua những ứng xử văn minh mang tính chân – thiện – mỹ nơi không gian công cộng, một xã hội trật tự và hài hòa được hình thành. Vốn xã hội được thiết lập, duy trì và củng cố thông qua những hoạt động diễn ra tại không gian công cộng. 

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong không gian công cộng

Ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, với sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa văn hóa nội sinh với ngoại sinh, đời sống văn hóa, xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ. Bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp đang được duy trì, một số thói quen văn hóa xấu vẫn tồn tại và nảy sinh có nguy cơ tác động xấu tới việc xây dựng xã hội văn minh.

Để xây dựng văn hóa ứng xử văn minh của người Việt trong không gian công cộng, PGS.TS Trịnh Văn Tùng và cộng sự đã đề xuất và phác thảo bộ quy tắc ứng xử. Mục đích của quy tắc ứng xử là xây dựng, cổ vũ những giá trị, nguyên tắc, thói quen tốt đẹp trong không gian công cộng. Bộ quy tắc ứng xử chia thành hai bậc: Thứ nhất, những quy tắc ứng xử chung trong không gian công cộng; Thứ hai, những quy tắc ứng xử trong một số không gian cụ thể.

Quy tắc ứng xử chung trong không gian công cộng, gồm 3 điều:

1/ Tự giác tuân thủ, chấp hành quy định pháp luật: Tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về không gian công cộng; Tuân thủ nội quy, quy tắc, quy định tại không gian công cộng; Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luận;

2/ Tôn trọng bản thân mình và mọi người trong không gian công cộng: Luôn ứng xử thân thiện, nhã nhặn, đúng mực, lịch sự; Luôn biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” phù hợp; Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác; Tôn trọng sự khác biệt và tự do cá nhân theo quy định của pháp luật; Không phân biệt, miệt thị giới tính, dân tộc, vùng miền, tôn giáo, xuất thân, giàu nghèo, người khuyết tật, người dễ bị tổn thương;

3/ Bảo vệ môi trường không gian công cộng: Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan, môi trường không gian công cộng cho bản thân, cộng đồng, xã hội và vì thế hệ tương lai; Không gây ô nhiễm môi trường không gian công cộng bằng khói bụi, khí độc, nguồn nước bẩn, mùi khó chịu, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của cộng đông; Sử dụng sản phẩm, phương tiện thân thiện với môi trường không gian công cộng; Gìn giữ, bảo tồn và xây dựng không gian công cộng luôn xanh, sạch, đẹp, thân thiện, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt trong mối quan hệ tương tác giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên… Thông qua không gian công cộng con người có điều kiện thể hiện bản sắc, xây dựng và phát triển mạng lưới xã hội, tạo dựng nên một xã hội văn minh.

 

 

TH.S LÝ VIẾT TRƯỜNG (VIỆN VIỆT NAM HỌC VÀ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN, ĐHQGHN)

Theo https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-ung-xu-trong-khong-gian-cong-cong-1074147.ldo