Nghệ thuật điêu khắc vẫn còn là hình thức nghệ thuật khá xa lạ với phần đông bộ phận công chúng Việt so với hội họa. Tuy vậy, hình thức nghệ thuật ba chiều này lại có những đặc thù mang tính cấp tiến riêng, phù hợp với diễn biến nhanh của thế kỷ 20-21, khiến nó ngày càng hòa nhập dễ dàng hơn và bắt nhịp vào đời sống.
Triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn lần thứ 6 diễn ra từ 18/9 đến 18/10 năm 2020 tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA – Hà Nội với 32 tác giả và 63 tác phẩm trưng bày là một sự kiện lớn trong bối cảnh điêu khắc Việt Nam hiện nay.
Tất nhiên còn rất nhiều những nhà điêu khắc với những mạch sáng tác và tư tưởng nghệ thuật khác trong cả nước có thể vắng mặt trong chuỗi sự kiện hoạt động triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn, nhưng nhìn chung cả 6 lần hội tụ, những nghệ sỹ điêu khắc tiêu biểu ở hai miền – có quá trình hoạt động nghệ thuật thường xuyên tham gia đã góp phần tạo nên một hình dung về điêu khắc Việt Nam đương đại.
(tác phẩm “Chuyển động ở bên trong” của Tác giả Khổng Đỗ Tuyền )
Và hình dung ấy, phù hợp với điều kiện phát triển của con người, xã hội Việt Nam, sẵn sàng cho những bứt phá, thách thức trong nghệ thuật của cá nhân nghệ sỹ.
Hình dung về điêu khắc Việt Nam đương đại từ triển lãm điêu khắc Hà Nội -Sài Gòn 2020.
Triển lãm đem đến những tác phẩm điêu khắc đa phần nằm trong series sáng tác của từng cá nhân nghệ sỹ đã theo đuổi trong nhiều năm, nên có thể dễ dàng nhận ra dấu ấn cá nhân cộng với sự chuyển biến trong sáng tác nếu nhìn theo chiều dọc ở nhiều nghệ sỹ.
(tác phẩm Sự tồn tại – tác giả Quang Vũ)
Trong triển lãm điêu khắc này, ngôn ngữ điêu khắc của các tác phẩm xuất hiện sự pha trộn nhiều xu hướng: Trừu tượng, ấn tượng, biểu hiện, tối giản, ý niệm, sắp đặt… các ngôn ngữ điêu khắc này mang nhiều cảm tính, là sự khám phá những chuyển biến của cảm xúc cá nhân khi thực hành nghệ thuật điêu khắc mà đời sống của cá nhân ấy trong xã hội vẫn là chất liệu chủ yếu.
Có thể nói, tác phẩm “Chuyển động ở bên trong” của Tác giả Khổng Đỗ Tuyền đến từ Hà Nội là một tác phẩm đặc trưng cho xu hướng trừu tượng hoàn toàn. Với ngôn ngữ này, cần sự tương đồng về kinh nghiệm cá nhân giữa người thưởng ngoạn và nghệ sỹ để đạt được độ thấu cảm gần nhất với tác phẩm. Ở đây, tác phẩm là cái hiện hữu được chuyển thể từ cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân nghệ sỹ thông qua sự tương tác với sự vật hiện tượng.
(tác phẩm Sự tồn tại – Tác giả Quang Vũ)
Bên cạnh đó, các tác phẩm của nhà điêu khắc (nđk) Quang Vũ, Nguyễn Trung Chính, Đinh Duy Tôn… dùng ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng để tạo tác và vật chất hóa những cảm xúc về các đối tượng của đời sống.
Tiếp nối trong chuỗi sáng tác của mình, nđk Quang vũ khám phá tiếng nói tự thân của chất liệu truyền thống trong điêu khắc như Đồng, nhôm. Anh tạo ra những khối tối giản và những thay đổi tinh tế trên bề mặt để cảm nhận về cuộc sống của chất liệu.
Những tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Trung Chính, Đinh Duy Tôn, Trần Việt Hưng thì gần hơn với ngôn ngữ trừu tượng trong hội họa.Với nđk Đinh Duy Tôn, cảm xúc về tình yêu, con người bước qua cuộc sống của anh để lại những ấn tượng cô đọng thành hình khối trừu tượng của điêu khắc.
(tác phẩm Những khoảng Lặng – tác giả Nguyễn Trung Chính)
Còn tác phẩm “Những khoảng lặng” của nđk Nguyên Trung Chính như dạng biểu tượng, ký tự mà như lời lý giải của anh: “được tôi nhìn thấy trong không gian tiềm thức, thôi thúc tôi tái hiện lại chúng bằng vật liệu xung quanh mình”. Tác phẩm mang nhiều hơi hướng thiền định và chiêm nghiệm của cá nhân nghệ sỹ, là tác phẩm điêu khắc có yếu tố động duy nhất trong triển lãm.
Phần đông các tác phẩm trong triển lãm gợi lên cho người xem một ấn tượng về vật thể có thể liên tưởng trong đời sống. Đó là những tác phẩm mang nhiều yếu tố ấn tượng – biểu hiện, ở dạng ngôn ngữ này, tác giả có đối tượng cụ thể của cảm xúc nhưng đồng thời, đối tượng khách quan đó được cụ thể hóa và biến đổi mạnh mẽ qua cái nhìn chủ quan và khác biệt của nghệ sỹ.
Tác phẩm “Nắng Xanh” của nđk Lê Lạng Lương nằm trong series “Bóng” của anh là sự liên tưởng đến màu xanh của bầu trời, cánh đồng ở miền quê ký ức nay chỉ còn nhập nhoạng trong đời sống đô thị.
(tác phẩm Bâng Khuâng – tác giả Đinh Duy Tôn)
Tác phẩm “Không gian tâm tưởng” và “Không gian vẫy vùng” của nđk Thái Nhật Minh là hai trạng thái đối lập về không gian qua hình tượng chim và những chiến binh quen thuộc trong chuỗi sáng tác nhiều năm nay của anh. Trong đó đôi cánh mang tính biểu tượng về khát vọng tự do hạnh phúc.
Chuỗi điêu khắc sắp đặt đầy ấn tượng siêu thực mang tên “Sơn hà” của nđk Nguyễn Duy Mạnh là một hiện tượng đặc biệt. Xuyên suốt sáng tác của mình anh khai thác những cảm hứng về giá trị văn hóa Việt Nam. Ở tác phẩm “Sơn hà” – có thể hiểu là núi sông qua biểu hình núi bằng chất liệu gốm và sông bằng thủy tinh.
Yếu tố biểu hiện, siêu thực ở hình và màu của xương, máu trên núi cho khán giả cảm giác liên tưởng bất ngờ về định nghĩa “Sơn hà”. Dường như sông núi, quê hương chính là xương thịt của mỗi con người, hay ngược lại danh tính của mỗi chúng ta được xác định chính bằng môi trường sống và hoàn cảnh của chúng ta. Nghệ thuật điêu khắc của anh luôn là tiếng nói bên trong của cảm xúc mãnh liệt hiện sinh.
(tác phẩm Nắng Xanh – tác giả Lê Lạng Lương)
Một tác phẩm nhỏ bé thú vị trong triển lãm của tác giả Phạm Đình Tiến thể hiện chân dung người nông dân được đúc bằng vàng 24k với chiều cao 3cm. Tác phẩm là sự đề cao vai trò của người nông dân đối với nền văn hóa nông nghiệp chủ đạo của đất nước Việt Nam một thời. Kích thước khiêm tốn của tác phẩm đối lập với giá trị chất liệu, gợi cho người xem những suy nghĩ đa chiều.
Các tác phẩm khác như “Tiêu bản” của nđk Đặng Đức Thành, series “Bên trong” của nđk Phạm Bảo Sơn, “Quả” của nđk Lê Anh Vũ, “Cá” của nđk Hoàng Mai Thiệp, “Mục ruỗng” của nđk Trần Văn An, tác phẩm “Khởi thủy” và “Sky gate” của nđk Vũ Bình Minh, “Cuối hạ”, “Giai Điệu”, “Đáy nước” của nđk Trần Việt Hưng, “Bướm” của nđk Nguyễn Hoài Huyền Vũ hay tác phẩm “Bố mẹ tôi cái cuốc và cây cải bắp”, “Thứ Tỷ” của nđk Phạm Thái Bình… đều là những ấn tượng của nghệ sỹ về những đối tượng cụ thể trong đời sống.
(tác phẩm Không gian tâm tưởng – tác giả Thái Nhật Minh)
Bên cạnh đó, một số tác phẩm có tính chất gợi mở, đem đến cho người xem những suy tư mang tính xã hội như 3 tác phẩm “Đợi #2”, “E 20.1”, “E19” của nđk Nguyễn Huy Tính nằm trong series tác phẩm mang tên “E” của anh về những cái thước đo trong đời sống xã hội hiện đại nhiều xô lệch.
Tác phẩm “Cocoon” của nđk Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng sự tương phản đối lập giữa đường nét – hình khối, chất liệu để nói đến những vấn đề trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong xã hội hiện đại nơi nền văn minh ngày càng tạo ra những xung đột khó hóa giải làm tổn hại đến cả hai phía.
(tác phẩm Không gian vẫy vùng – tác giả Thái Nhật Minh)
Tiếp theo trong chuỗi ý tưởng Phá hủy – tái chế – luân chuyển được nđk Trần Trọng Tri thực hiện từ năm 2012 cho tới nay, tác phẩm “Huyền tích là có thật” trong triển lãm lần này là một dạng điêu khắc kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và ý niệm, cho phép người tham gia tương tác ngồi vào vị trí ghế trong tác phẩm, và hiểu hình thức nội dung của tp thông qua hình ảnh về cả series biến đổi – luân chuyển của các hình thái trước đây của nó.
Chuỗi tác phẩm như hành trình của những con người với khởi đầu hoàn hảo từ bọc trăm trứng rồi bằng những con đường khác nhau để vươn ra xa cái nguồn gốc ban đầu, cho tới tác phẩm này là sự in hằn ở trạng thái tĩnh đầy chiêm nghiệm và tự vấn.
(tác phẩm Sơn hà – tác giả Nguyễn Duy Mạnh)
Trong khi đó, tác phẩm của Đỗ Hà Hoài với màu sắc đậm chất pop art và biểu hình chân thực cho ấn tượng mạnh về sự dị ứng đang xâm lấn, ăn mòn và hủy diệt những cơ thể trẻ – đó cũng chính là những sắc thái xã hội mang cả mặt tích cực và tiêu cực đang tấn công giới trẻ trong thời đại công nghệ chiếm lĩnh.
(tác phẩm Sơn hà – tác giả Nguyễn Duy Mạnh)
“Khó và dễ” đối với công chúng thưởng ngoạn.
Có thể nói, điêu khắc là một trong những hình thức kiệm lời nhất của nghệ thuật thị giác. Điêu khắc đương đại ngày càng có xu hướng tối giản, trừu tượng và ý niệm. Khi tác phẩm cô đọng hơn, sâu sắc hơn, thì càng đòi hỏi người thưởng ngoạn phải có kinh nghiệm dày dặn hơn trong tư duy và nhận thức.
Trực giác của nghệ sỹ thức thời, đi trước công chúng, nhưng chính công chúng và nền tảng nhận thức của xã hội là nấc thang để người nghệ sỹ có thể leo lên ở độ cao nào.
(tác phẩm Anh nông dân may mắn – tác giả Phạm Đình Tiến)
Điêu khắc ở Việt Nam vẫn được cho là nghệ thuật khó đối với công chúng, nhưng đổi lại, so với các quốc gia khác, hay so với các thể loại nghệ thuật thị giác khác như hội họa, kiến trúc, thì số lượng nghệ sỹ điêu khắc của ta còn rất ít, các tác phẩm và xu hướng điêu khắc còn bị bó hẹp do thiếu lực lượng, điều kiện cơ sở vật chất không cho phép trong khi điêu khắc là ngành nghệ thuật sử dụng vật liệu tốn kém và kỹ thuật cao
(tác phẩm Đợi – tác giả Nguyễn Huy Tính)
Không kể đến lịch sử điêu khắc dân gian, thì điêu khắc hiện đại Việt Nam mới thực sự bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ 20 sau khi trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập, học hỏi những điều cơ bản nhất của điêu khắc kinh viện phương Tây từ thế kỷ 15, 16 và đồng thời cùng lúc phải nắm bắt được tinh thần của điêu khắc hiện đại phương Tây và chuyển vội vã sang thời kỳ hậu hiện đại – một khối lượng kiến thức quá lớn để điêu khắc Việt Nam thẩm thấu trong 100 năm nhưng thực chất mãi đến năm 1986 sau đổi mới điêu khắc hiện đại tự do mới thực sự được bắt đầu.
(tác phẩm Cocoon 3 – Tác giả Nguyễn Ngọc Lâm)
Như vậy để thấy, cho tới hiện tại, điêu khắc Việt Nam mới đi được một đoạn đường ngắn, còn dễ dàng cho công chúng tìm hiểu và nắm bắt. Nghệ thuật luôn là lĩnh vực khó, và thực tế nó là tổng hợp của những lĩnh vực cao cấp nhất trong đời sống tinh thần của con người như triết học và các khoa học xã hội khác.
Tuy vậy, nghệ thuật lại là thứ phản ánh đời sống xã hội, chạm đến tâm hồn con người một cách chân thực và gần gũi nhất, kiến tạo cảm xúc và nâng cao tư duy của con ngươi trong xã hội. Tìm hiểu về nghệ thuật, cũng như khoa học, xã hội là một nhu cầu không thể thiếu để chúng ta có một cái nhìn sâu sắc, đa diện về đời sống của chính mình trong xã hội.
(tác phẩm Huyền tích là có thật – Tác giả Trần Trọng Tri)
Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 6 lần qua chính là một cố gắng tổ chức đáng ghi nhận của các nghệ sỹ điêu khắc ở hai miền diễn ra suốt 10 năm qua trong bối cảnh các các nghệ sỹ điêu khắc Việt Nam phải hoạt động hoàn toàn độc lập, tự chi trả cho hoạt động sáng tác và triển lãm.
Ngoài những tác phẩm điêu khắc trong không gian nội thất như ở các kỳ triển lãm, các nghệ sỹ điêu khắc đương đại này còn có các tác phẩm điêu khắc cảnh quan là những tác phẩm điêu khắc với kích thước lớn – không giới hạn, được bày đặt trong bối cảnh không gian ngoài trời, ngày càng có tác động tích cực đến nhận thức cộng đồng về nghệ thuật.
Để nghệ thuật điêu khắc “dễ” hơn với công chúng và có những giá trị tích cực hơn với cộng đồng, bên cạnh nỗ lực sáng tạo và đóng góp của nghệ sỹ, rất cần nhà nước và những mạnh thường quân làm công tác hậu cần, cần có đội ngũ những người nghiên cứu chuyên sâu thấu hiểu và thông dịch, và hơn hết cần sự tự trau dồi kiến thức và quan tâm của công chúng dành cho nghệ thuật.
(tác phẩm Dị ứng màu sắc – Tác giả Đỗ Hà Hoài)
Trần Thu Huyền
Theo https://thuonggiathitruong.vn/trien-lam-dieu-khac-ha-noi-sai-gon-2020-hinh-dung-cua-dieu-khac-viet-nam-duong-dai-kho-va-de-doi-voi-cong-chung-thuong-ngoan/